Hà Nội và Thái Bình hợp tác tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sạch
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hai Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Thái Bình đã ký thỏa thuận, phối hợp về phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật. Thỏa thuận này tạo điều kiện để sản phẩm chăn nuôi sạch của Thái Bình chính thống được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hai Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Thái Bình đã ký thỏa thuận, phối hợp về phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật. Thỏa thuận này tạo điều kiện để sản phẩm chăn nuôi sạch của Thái Bình chính thống được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
|
Ảnh minh họa (nguồn: ktdt.com.vn) |
Theo đó, phía Hà Nội cam kết hỗ trợ Thái Bình trong công tác quản lý dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra chất lượng sản phẩm; hỗ trợ bán sản phẩm, bảo đảm an ninh trật tự cho các tổ chức, cá nhân bán sản phẩm an toàn của Thái Bình tại Hà Nội; giới thiệu gian hàng, địa điểm tổ chức cung cấp sản phẩm an toàn của Thái Bình tại Hà Nội. Tạo điều kiện để quảng bá sản phẩm và giới thiệu sản phẩm như in tài liệu giới thiệu, tuyên truyền về sản phẩm cơ sở sản xuất, sơ chế chế biến, quảng bá miễn phí trên Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội, Wibsite của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; hỗ trợ xây dựng thương hiệu của sản phẩm, phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm (từ sản xuất – sơ chế – chế biến – tiêu thụ sản phẩm an toàn). Ngoài ra, Hà Nội còn có các chính sách khác như: Hỗ trợ Thái Bình trên sàn bán buôn của Hà Nội (được hỗ trợ 50% phí tham gia giao dịch trong suốt thời gian tham gia sàn); được sàn quảng bá, tiếp thị sản phẩm, củng cố uy tín thương hiệu; kết nối bán hàng với các nhóm tiêu thụ bao gồm các siêu thị, cửa hàng đầu mối bán buôn, các nhà xuất khẩu, các điểm phân phối, tại các khu dân cư và các cơ quan trên địa bàn sàn đảm nhiệm, …
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường Thủ đô, Thái Bình chủ trương tiếp tục xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi tập trung, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm cung cấp cho Hà Nội. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ tổ chức cá nhân cung cấp cho thị trường Hà Nội những sản phẩm bảo đảm chất lượng, có xuất xứ rõ ràng. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí để quảng bá sản phẩm gia súc, gia cầm an toàn cho các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm của tỉnh trên địa bàn Hà Nội. Hiệp hội gia cầm và trang trại nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn 148 hội viên là các chủ trang trại và 900 hội viên các Câu lạc bộ gia cầm trong toàn tỉnh xây dựng trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chí VietGAP. Hiệp hội cũng tập huấn, hướng dẫn các trang trại hội viên sử dụng các giải pháp kỹ thuật thống nhất như con giống, thức ăn, thuốc thú y, quy trình phòng chống dịch bệnh, kế hoạch sản xuất theo chuỗi kết nối chặt chẽ và đại diện cho hội viên tham gia sàn giao dịch Hà Nội để quảng bá sản phẩm của hội viên.
Ngoài ra, hiện nay Thái Bình đang triển khai thực hiện Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng chăn nuôi hàng hóa, từng bước thực hiện chăn nuôi an toàn theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến giết mổ và cung cấp sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Chủ trương của tỉnh là quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, tách các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để giải quyết đồng bộ về sản xuất hàng hóa hóa tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện quy hoạch giết mổ tập trung từ các mô hình giết mổ của dự án sẽ thực hiện quy hoạch giết mổ tại thành phố Thái Bình sau đó nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
Tới nay, tỉnh đã thành lập 4 vùng chăn nuôi an toàn với 708 hộ chăn nuôi đăng ký tham gia. Ban quản lý dự án Lifsap Thái Bình chủ động phối hợp với Chi cục thú y, Trung tâm khuyến nông để giám sát dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm, đào tạo cán bộ khuyến nông cấp huyện và cấp xã, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi an toàn tới từng hộ dân trong vùng chăn nuôi an toàn và thường xuyên kiểm tra quy trình chăn nuôi an toàn. Tỉnh cũng thực hiện nâng cấp các cơ sở giết mổ tập trung và chợ thực phẩm, tách khu bán thực phẩm thịt ra khu riêng biệt, tiểu thương buôn bán có nề nếp, thịt, thực phẩm bước đầu được kiểm tra, kiểm soát thông qua Ban quản lý chợ, cán bộ thú y, cán bộ ý tế từng bước hình thành chợ thực phẩm an toàn.
Mục tiêu của tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2020 tăng nhanh tỷ trọng các sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo phương thức chăn nuôi hàng hóa, chăn nuôi gia trại, trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường đáp ứng nhu cầu thực phẩm cơ bản là sản phẩm thịt sạch đảm bảo vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()