Hà Nội triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế tập thể
Hà Nội là một trong số ít các địa phương trong cả nước có tốc độ phát triển hợp tác xã (HTX) nhanh cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh việc giải quyết việc làm cho người lao động, HTX còn giữ vai trò bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, cung ứng vật tư nông nghiệp… giúp nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, để HTX phát triển như kỳ vọng, trở thành động lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội cần có những giải pháp chiến lược phù hợp.
Thành tựu từ chặng đường nỗ lực
Tính đến hết năm 2020, Hà Nội có 1.235 HTX nông nghiệp; trong đó, có 1.090 HTX đang hoạt động (chiếm 88,3%) và 145 HTX ngừng hoạt động (chiếm 12,7%). Ðáng chú ý, trong tổng số HTX hoạt động hiệu quả, có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị gắn với sản xuất, tiêu thụ; 50 HTX ứng dụng công nghệ cao. Ðã có 53 HTX với 180 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng OCOP đạt ba sao trở lên, góp phần khẳng định HTX đã và đang giữ vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Tạ Văn Tường, thành phố đã phát động phong trào thi đua “Ðổi mới, phát triển các HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM”. Phong trào đã lan tỏa đến 18 huyện, thị xã và năm quận, với kết quả rất đáng ghi nhận khi ngày càng có nhiều giám đốc HTX, có năng lực, tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất và kinh doanh đáp ứng với cơ chế thị trường. Nhiều HTX có số lượng thành viên với quy mô vừa (dưới 1.000 thành viên), hoạt động dịch vụ đa dạng (tối đa 10 đến 12 dịch vụ) phục vụ thành viên HTX và dịch vụ truyền thống cho nông dân tại địa phương, từ đó góp phần nâng cao thu nhập thành viên…
Ðược thành lập năm 2018, từ chỗ chỉ có bảy thành viên, sở hữu 2,1 ha đất canh tác chuyên trồng rau mầm và rau baby, đến nay HTX Thanh Hà (huyện Thường Tín) đã mở rộng cả về quy mô lẫn năng lực sản xuất với 1,15 ha ứng dụng công nghệ cao, thực hiện sản xuất theo chuỗi cung ứng sản phẩm. Theo Giám đốc Bùi Thị Thanh Hà, hiện HTX đã ký liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty G-Tech và các siêu thị của Hà Nội. Nhờ có đầu ra ổn định, tổng doanh thu HTX tính đến hết quý III năm 2020 đã đạt hai tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên đạt hơn 10 triệu đồng/người/tháng, lao động trong HTX cũng có mức thu nhập dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/người tháng. Bà Bùi Lan Hương, xã viên HTX Thanh Hà cho biết, từ khi vào HTX, gia đình bà không còn phải lo lắng, trăn trở trồng cây gì, bán ở đâu. HTX cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm, nên gia đình bà và nhiều thành viên trong HTX rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.
Không chỉ có HTX Thanh Hà thành công trong ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, HTX Ðan Hoài (huyện Ðan Phượng) cũng được biết đến là mô hình điểm trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thành lập năm 2002 với 12 thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, sau hai năm hoạt động, HTX không thể vượt qua những khó khăn về thị trường, con giống nên phải chuyển hướng sang trồng hoa cao cấp. Tận dụng lợi thế về đồng đất ven sông Hồng, năm 2004 các thành viên HTX quyết định đầu tư kinh phí để xây dựng nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động, điều chỉnh ngoại cảnh… cho hơn 3 ha trồng hoa lan. Ðến nay, HTX đã thành công và cung cấp ra thị trường sản phẩm hoa lan mang thương hiệu Flora. Ngoài ra, HTX xây dựng thành công phòng nuôi cấy mô hiện đại nhằm kiểm soát được nguồn và chất lượng cây giống, cho sản phẩm đạt hơn một triệu cây/năm. Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học, doanh thu HTX ước đạt bốn đến năm tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, cho thu lãi hàng tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương, với mức thu nhập năm đến bảy triệu đồng/người/tháng.
Những kết quả đạt được của kinh tế tập thể, HTX cho thấy sự ổn định từng bước nâng chuẩn chất lượng, năng suất, hiệu quả cũng như an toàn sản xuất. Tuy nhiên, mô hình kinh tế tập thể vẫn còn những bất cập cần khắc phục để hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, tỷ trọng đóng góp từ các mô hình kinh tế tập thể vào GDP tăng trưởng của thành phố còn thấp, chưa kể số lượng HTX thành lập mới theo định kỳ hằng năm chưa nhiều như kỳ vọng, loại hình kinh tế tập thể vẫn chưa phát triển đồng đều trên các lĩnh vực.
Cần “sức bật” cho kinh tế tập thể
Ðể phát huy được hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn 2021 – 2025, theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Tạ Văn Tường cần phát triển các HTX chuyên ngành, các HTX toàn xã, từ đó thúc đẩy liên kết, gắn sản xuất với chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Còn theo Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trong giai đoạn tới, nếu chỉ dừng lại ở kinh tế hộ, sản xuất truyền thống thì sẽ không có động lực phát triển. Do đó, cần tập trung nguồn lực phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các cánh đồng chuyên canh và đẩy mạnh cơ giới hóa.
Ðây đều là những vấn đề trọng tâm của thành phố trong phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn tới. Nhưng để làm được điều này, ngoài khuyến khích sự nỗ lực tự thân từ các HTX, Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư về vốn, chính sách để tạo nên những hành lang an toàn cho kinh tế tập thể, HTX phát triển.
Sở NN và PTNT Hà Nội đã đề ra năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế tập thể HTX như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HTX, vai trò của kinh tế tập thể để người dân tích cực tham gia; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu. Ðẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 1840/QÐ-TTg ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025. Gắn kết hợp thực hiện có hiệu quả Nghị định số 98/NÐ-CP ngày 5-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ HTX tham gia liên kết chuỗi. Cùng với tập trung giải thể 145 HTX đã ngừng hoạt động, Sở sẽ duy trì, củng cố hoạt động các HTX hiện có. Ðẩy mạnh chuyển đổi mô hình, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX trung bình, yếu. Ðồng thời, tập trung thành lập mới các tổ nhóm, HTX chuyên ngành phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng thôn, làng, địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng NTM và chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025…
Ý kiến ()