Hà Nội tổ chức nhiều chương trình quảng bá du lịch đặc sắc
Đặc sắc cốm Mễ Trì
Ngày 2/10, UBND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã tổ chức Ngày hội văn hóa cốm Mễ Trì nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa của nhân dân và tôn vinh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm cốm truyền thống của phường Mễ Trì.
Ngày hội có sự tham gia của hơn 40 gian hàng thuộc các cơ sở sản xuất cốm trên địa bàn phường Mễ Trì. Tại đây, các cơ sở sản xuất đã giới thiệu các sản phẩm cốm do cơ sở mình sản xuất. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra các hoạt động như triển lãm ảnh và vật dụng làm cốm, thi làm cốm truyền thống, các chương trình văn nghệ đặc sắc.
Nghề làm cốm ở Mễ Trì phát triển từ những năm đầu thế kỷ 19. Với lịch sử lâu đời, người dân nơi đây đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm như cốm tươi, cốm sấy, chả cốm, rượu cốm, xôi cốm, bánh cốm… để phân phối cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Em làm nhà khảo cổ học
Ngày 2/10, chương trình giáo dục di sản “Em làm nhà khảo cổ học” cho học sinh bậc tiểu học đã được khởi động tại khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu thuộc Hoàng Thành Thăng Long, với sự tham gia của các em học sinh đến từ Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Hà Nội). Chương trình này sẽ được triển khai hằng tuần vào 9h sáng Chủ nhật tại địa chỉ trên.
Chương trình do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu cho các em nhỏ những kiến thức cơ bản nhất về công tác khai quật, bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa mà cha ông để lại.
Đến với chương trình, các em học sinh được tham quan thực tế dưới sự hướng dẫn của các cán bộ khu di sản, trải nghiệm một số kỹ năng khai quật trên mô hình di chỉ khảo cổ giả định, chơi trò chơi tìm báu vật, xem clip giới thiệu khu di tích…
Điểm nhấn của chương trình là phương pháp vừa học vừa chơi, phù hợp với lứa tuổi để các em có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu lịch sử. Bên cạnh đó, những trải nghiệm thực tế trên mẫu như đào khảo cổ, ghi nhật ký, chụp ảnh, dập mẫu,… khá dễ hiểu, giúp các em có thể hình dung rõ hơn về công việc của các nhà khảo cổ.
Phát triển du lịch làng nghề
Chiều 2/10, Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 đã bế mạc. Trong 4 ngày diễn ra, Liên hoan thu hút khoảng 3 vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Với quy mô 260 không gian, gian hàng của 150 đơn vị, cá nhân tham gia, đại diện của 30/47 nghề truyền thống tiêu biểu của Thủ đô, Liên hoan đã thực hiện tốt mục đích góp phần bảo tồn, tôn vinh, giới thiệu và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch.
Đây cũng là dịp để các làng nghề, các doanh nghiệp nghề truyền thống, du lịch giao lưu, hợp tác, ký kết hợp tác các chương trình phát triển du lịch làng nghề; đồng thời là cơ hội để Thủ đô và các địa phương giới thiệu tinh hoa ẩm thực, nét tinh tế trong chế biến, trình diễn các món ăn truyền thống, đặc sắc của mọi miền Tổ quốc với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan năm nay được chú trọng về nội dung, chất lượng. Tiêu biểu như các khu trưng bày, thao diễn, các gian hàng, khu trải nghiệm làng nghề, chương trình lễ rước tổ nghề của một số làng nghề truyền thống tiêu biểu. Trong khuôn khổ Liên hoan cũng diễn ra một số hội thảo quan trọng cũng như tổ chức được nhiều hoạt động giới thiệu, chào bán các chương trình, sản phẩm du lịch và các chương trình văn hóa nghệ thuật.
Ý kiến ()