Hà Nội tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ngày 13/12, đoàn công tác của Bộ Tài chính do đồng chí Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Thường trực dẫn đầu có buổi làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong năm 2013. Dự buổi làm việc có các Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Văn Sửu và lãnh đạo các sở, ngành của Hà Nội. Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: THTheo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, năm 2012, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, UBND Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.Thành phố đã bố trí 100 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư các dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm, hỗ trợ cho các dự án xã hội hóa, điện nông thôn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho 6 doanh nghiệp với số tiền 6 tỷ đồng…...
Ngày 13/12, đoàn công tác của Bộ Tài chính do đồng chí Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Thường trực dẫn đầu có buổi làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong năm 2013.
Dự buổi làm việc có các Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Văn Sửu và lãnh đạo các sở, ngành của Hà Nội.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp phát biểu tại buổi làm việc |
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, năm 2012, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, UBND Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Thành phố đã bố trí 100 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư các dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm, hỗ trợ cho các dự án xã hội hóa, điện nông thôn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho 6 doanh nghiệp với số tiền 6 tỷ đồng…
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hà Nội đã dành nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 16 tỷ cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, thành phố đã hỗ trợ 38 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Thành phố đã bố trí 30 tỷ đồng cho Quỹ xúc tiến thương mại để triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, trong năm qua, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp trên địa bàn tương đối lớn, Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp 376 tỷ đồng để dự trữ 10 nhóm mặt hàng thiết yếu, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng hóa về vùng xa trung tâm và các tỉnh, thành lân cận.
Tuy Hà Nội đã có nhiều giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn tới tình hình sản xuất kinh doanh. Đó là lãi suất ngân hàng bằng đồng Việt Nam vẫn cao (khoảng 18-20%), các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng; nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ cho nhập khẩu vật tư bị hạn chế, khó tiếp cận và lãi suất vay còn khá cao; hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp thấp, chính sách lãi suất không ổn định…
Bên cạnh đó, đơn giá thuê đất của các doanh nghiệp cao; giá điện và xăng thường xuyên biến động, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm. Cùng với đó các doanh nghiệp còn phải đối mặt với lượng hàng tồn kho lớn do sức mua của thị trường suy giảm…
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong năm 2013, Hà Nội đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiếp tục cho phép thực hiện cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, gia hạn nộp thuế sử dụng đất theo Nghị quyết 13 của Chính phủ trong năm 2013.
Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp để giảm giá thành đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh, giải quyết lượng hàng tồn kho…
Đáng chú ý có những giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với từng ngành hàng để khơi thông thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất và tạo công ăn việc làm; giảm mức thuế nhập khẩu những linh kiện trong nước chưa sản xuất được; áp dụng chính sách giảm 50% thuế đất cho các doanh nghiệp chưa có đầy đủ hồ sơ, giấy chứng nhận sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất…
Các đại biểu tham dự buổi làm việc mong muốn, Nhà nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Đặc biệt Nhà nước cần các giải pháp để “phá băng” thị trường bất động sản bằng cách rà soát lại cung cầu để cân đối lại sản phẩm; có cơ chế để chủ đầu tư có thể chia nhỏ diện tích căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường; có chính sách hỗ trợ tín dụng trực tiến đối với người mua nhà…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp nêu rõ, những kiến nghị của Thành phố Hà Nội sẽ được tổng hợp đầy đủ, báo cáo Chính phủ trong phiên họp trực tuyến cuối năm để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong năm 2013. Những kiến nghị, đề xuất của hai Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất quan trọng để Chính phủ có những cơ chế, chính sách trong thời gian tới…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()