Hà Nội - tiêu đề nổi bật hàng đầu trên truyền thông quốc tế
Hà Nội hiện đang là trung tâm của ngoại giao quốc tế. Việc Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 hoàn toàn không phải là một sự ngẫu nhiên. Hà Nội được chọn vì đã cho thấy “một sự định hướng liên quan các cuộc đàm phán về những vấn đề nhạy cảm sắp tới”.
Hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến được tổ chức vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội đang được dư luận và truyền thông Ai Cập đặc biệt quan tâm. Tuần báo Al-Ahram của nước này số ra mới đây có đăng bài bình luận về sự kiện đang thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế này.
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn bài viết của tác giả Abdel-Moneim Said – Chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược vùng (RCSS) cho biết việc lựa chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Việt Nam đối với thế hệ của ông Said được nhiều người biết đến qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, một đất nước anh hùng, một quốc gia nhỏ song đã đấu tranh chống lại siêu cường thế giới, Việt Nam đã truyền cảm hứng ra toàn cầu, cho các nước Arab thấy những bài học về sự kiên cường.
Bài viết nêu rõ ngày nay, Việt Nam với Thủ đô là Hà Nội, lại một lần nữa trở thành tiêu đề nổi bật hàng đầu của tin tức trên truyền thông quốc tế khi là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai, một năm sau khi hội nghị lần đầu diễn ra ở Singapore vốn kết thúc bằng một thỏa thuận mà theo đó Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân và Washington sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống quốc gia này đồng thời giảm sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc.
Hà Nội hiện đang là trung tâm của ngoại giao quốc tế, việc Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị này hoàn toàn không phải là một sự ngẫu nhiên. Hà Nội được chọn vì đã cho thấy “một sự định hướng liên quan các cuộc đàm phán về những vấn đề nhạy cảm sắp tới”.
Thực tế, Việt Nam đã không còn là một quốc gia đông dân nhưng nhỏ bé từng bị gạt ra rìa, hay từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới nữa, Việt Nam hôm nay đã thay đổi hoàn toàn.
Điểm lại chặng đường phát triển của Việt Nam, bài báo viết năm 1986, Việt Nam đã tiến hành cải cách nền kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Trong quá trình này, vốn được gọi là công cuộc Đổi Mới, các đạo luật và quy định mới được ban hành nhằm mở cửa nền kinh tế và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế được đóng vai trò quyết định chủ yếu trong việc hoạch định giá cả và sản xuất hàng hóa.
Đến năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập. Điều này đã truyền cảm hứng cho một khuynh hướng mới trên truyền thông phương Tây và châu Á mà đã ca ngợi quốc gia này bằng những từ ngữ như “Việt Nam hiện đại”, “Paris của phương Đông”, “Vị thế của Việt Nam”, “Rồng Việt Nam” và “Mô hình của Việt Nam”… đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu mô hình này để tìm hiểu xem làm thế nào một nước nghèo như vậy, vốn trải qua các cuộc chiến tranh liên miên khiến nền kinh tế kiệt quệ, hàng triệu người thương vong, đã thành công trong việc trở thành một cường quốc mới nổi ở khu vực, một ví dụ tiêu biểu về khả năng vượt qua quá khứ.
Theo tác giả bài viết, “kinh nghiệm của Việt Nam” đáng được học hỏi. Hà Nội đã được lựa chọn là làm nơi để gặp gỡ, thương thuyết, qua đó phản ánh tầm nhìn của các cuộc đàm phán sắp tới, Việt Nam đã tạo ra một tiền lệ và một điểm đến.
Trong khi đó, tờ The Egyptian Gazette số ra mới đây có bài viết nhận định Việt Nam còn đóng vai trò hơn cả một địa điểm trung lập và thuận tiện cho việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên vào cuối tháng này.
Đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Triều Tiên, quốc gia Đông Nam Á này đang được coi là hình mẫu đáng để học hỏi kinh nghiệm về cải cách nền kinh tế. Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Việt Nam đã đạt tăng trưởng ấn tượng kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi Mới, nâng thu nhập bình quân đầu người từ chưa tới 95 USD hồi năm 1990 lên thành 2.342 USD vào năm 2017.
Ngoài ra, một trong những bí quyết thành công của Việt Nam chính là việc áp dụng chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động thương mại với các nước thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nay được thay thế bằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Bên cạnh những chính sách đó, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện cùng với chi phí thấp đã khiến Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất hàng may mặc và điện thoại di động. Tóm lại, Việt Nam đã chứng minh rằng bất kỳ nền kinh tế đói nghèo nào cũng có thể “xóa đói, giảm nghèo” tiến tới công nghiệp hóa bằng sự kết hợp và áp dụng các chính sách một cách đúng đắn.
Trong khi đó, theo các nhà phân tích Ai Cập, không khó để lý giải nguyên nhân tại sao Mỹ và Triều Tiên lại đi đến nhất trí chọn Hà Nội là nơi diễn ra cuộc gặp lần hai của lãnh đạo hai nước. Đầu tiên có thể thấy Hà Nội là địa điểm an toàn để tổ chức sự kiện như vậy và thành phố này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí ngoại giao cần thiết để góp phần vào thành công của hội nghị thượng đỉnh lần hai vốn được kỳ vọng sẽ đạt kết quả mang tính đột phá trong quan hệ giữa Wahington và Bình Nhưỡng, vốn có nét tương đồng như quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trước kia.
Hà Nội từng nhiều lần được truyền thông khu vực và quốc tế nhắc tới như một điểm đến an toàn, đặc biệt đối với các chính trị gia. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những ấn tượng rất tốt đẹp với Hà Nội. Ngoài ra, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, và tin cậy giữa Bình Nhưỡng và Hà Nội được cho là một cơ sở để đi đến thống nhất với phía Mỹ trong việc lựa chọn Hà Nội./.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()