Hà Nội tập trung xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết
Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc SXH tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển và dự báo đỉnh dịch SXH thường xuất hiện vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 11.
Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, ngành y tế Hà Nội cần tập trung giám sát các ổ dịch SXH, ổ dịch cũ; xử lý ổ dịch mới kịp thời hoặc các khu vực có nguy cơ cao.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội; tính đến ngày 4-6, trên địa bàn thành phố có 1.281 người bệnh mắc SXH, trong đó có một trường hợp chết. Số người mắc bệnh tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016, phân bố tại 28 quận, huyện trên địa bàn thành phố; các quận, huyện có số người bệnh mắc cao là Ðống Ða, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Ðông… Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh cho biết: Trước tình hình nêu trên, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điều tra, giám sát côn trùng tại gần hai nghìn điểm ổ bệnh cũ, ổ bệnh mới, nơi có người bệnh SXH; những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Kết quả cho thấy: có hơn 25% điểm có các chỉ số véc-tơ cao, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện Ðống Ða, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Ðông, Hoài Ðức, Thanh Trì…
Các trung tâm y tế dự phòng tuyến quận, huyện đã tiến hành xử lý 200 ổ bệnh lớn, nhỏ; tổ chức các chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh SXH cho hơn 16 nghìn hộ sinh sống tại các quận có nhiều người bệnh; đồng thời các quận, huyện đã và đang đồng loạt triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống SXH, tính đến nay đã có 276 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy được thực hiện tại các nơi có ổ dịch đang hoạt động hoặc những nơi có nguy cơ cao…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH trên địa bàn TP Hà Nội còn gặp không ít khó khăn như: nguồn nhân lực chính cho công tác đáp ứng phòng, chống dịch tại các địa phương liên tục có sự thay đổi; phần mềm khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm vẫn chưa được thực hiện ở 60% số cơ sở khám, chữa bệnh đóng trên địa bàn, cho nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát hiện sớm người bệnh. Hoạt động giám sát phát hiện người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp còn thực hiện chưa tốt; công tác lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán ca bệnh chưa đạt yêu cầu. Sự tham gia vào cuộc của người dân trong phòng, chống SXH còn hạn chế, khi bị mắc bệnh chưa khai báo cho cơ quan y tế địa phương…
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phòng, chống SXH hiện nay, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương (quận Hà Ðông) Dương Ngọc Thỏa cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cũng đã xuất hiện ổ dịch SXH, với tám trường hợp mắc. Mặc dù thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp ngành y tế triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân cách phát hiện và xử lý ổ bọ gậy tại hộ gia đình…
Tuy nhiên, Phú Lương cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn quận Hà Ðông, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh, cho nên xuất hiện nhiều khu vực chung cư, biệt thự liền kề được xây dựng. Nhưng hầu hết các ngôi nhà này chưa được sử dụng, nhiều công trình còn xây dựng dang dở hoặc còn nhiều khu đất trống bỏ hoang. Trong khi đó, khu vực thuộc địa bàn dân cư cũ, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, không được cải tạo; hệ thống cống rãnh thoát nước thường bị tắc nghẽn, chỉ một cơn mưa cũng có thể gây ngập úng. Tình trạng di dân thường xuyên diễn ra, nhất là hằng năm có hàng nghìn lượt người dân đến sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn… dẫn đến tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH cần sự tham gia tích cực hơn nữa của cả cộng đồng. Bởi vì, nếu như các cấp chính quyền, ngành y tế vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được 90%, nhưng chỉ còn 10% người dân phản đối hoặc thực hiện theo kiểu ứng phó không chủ động diệt muỗi, bọ gậy dịch bệnh vẫn có thể bùng phát. Muỗi tại các hộ gia đình sẽ tiếp tục sinh sôi và phát triển. Như vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ rất vất vả, dịch bệnh tiếp tục hoành hành, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của người dân và cả cộng đồng…
Ðáng lo ngại, hiện nay thời tiết đang có những diễn biến thất thường, nóng ẩm kèm theo mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; tình trạng thiếu nước sạch tại Hà Nội dẫn đến việc người dân tích trữ nước, là điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và bọ gậy phát triển và dự báo đỉnh dịch SXH sẽ diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Do vậy, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch SXH thời gian tới, ngành y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành cần có sự vào cuộc hơn nữa trong công tác này, nhất là sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế tiếp tục duy trì việc giám sát người bệnh, giám sát véc-tơ, giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, tổ chức xử lý ổ dịch mới kịp thời, triệt để, nhất là tại các xã, phường trọng điểm có các khu công trường, làng nghề phế liệu.Tổ chức hướng dẫn và triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu; thả cá, thau rửa dụng cụ chứa nước diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.
Các bệnh viện cần thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh; thông tin về người bệnh cho trung tâm y tế dự phòng, trung tâm y tế các quận, huyện để chủ động giám sát, xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh SXH; rà soát những ổ dịch tại những khu vực trọng điểm, có nguy cơ lây lan nhanh để tiến hành các biện pháp diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi một cách hiệu quả nhất…
Theo số liệu thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 35 nghìn trường hợp mắc SXH, trong đó có mười trường hợp chết. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc giảm 3,1%; số người chết tăng một trường hợp. Hiện có 18 tỉnh, thành phố có số người mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm trước; nhất là tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội (188%); Ðà Nẵng (112%); Quảng Nam (178%); Quảng Ngãi (67%); Trà Vinh (80%); Cà Mau (44%)… Ðáng chú ý, trong khi khu vực miền trung và Tây Nguyên giảm đáng kể (20,7% và 27,5%); khu vực miền nam tăng nhẹ (3,7%), thì tại khu vực miền bắc lại tăng cao (189,6%) so với cùng kỳ năm 2016. (Nguồn: Bộ Y tế) |
Theo Nhandan
Ý kiến ()