Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi bền vững
Trước những khó khăn chồng chất mà ngành chăn nuôi phải gánh chịu trong hơn một năm qua, thì những kết quả bước đầu của Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư của TP Hà Nội đang dần khẳng định cách làm đúng, kinh nghiệm hay trong việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững.
Trước những khó khăn chồng chất mà ngành chăn nuôi phải gánh chịu trong hơn một năm qua, thì những kết quả bước đầu của Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư của TP Hà Nội đang dần khẳng định cách làm đúng, kinh nghiệm hay trong việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững.
Hình thành vùng sản xuất hàng hóa
Dựa trên những lợi thế từ điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và sau khi thí điểm thực hiện việc phát triển chăn nuôi bò sữa theo vùng (từ năm 2008 đến 2010) thành công, UBND thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và phát triển chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2011 – 2015. Kèm theo đó, thành phố cũng ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ từ con giống, cơ sở hạ tầng, công tác thú y, xử lý môi trường đến vay vốn tín dụng giúp các hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư, phát triển quy mô sản xuất.
Tới thăm một trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Lâm (có quy mô 50 con lợn nái, 400 con lợn thịt và 7.000 con gà đẻ trứng) ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai trong thời điểm sức tiêu thụ giảm, dịch bệnh còn đang bùng phát ở nhiều địa phương, rất nhiều người chăn nuôi chịu thua lỗ phải “treo chuồng”, anh Lâm dường như vẫn “bình chân như vại” khi phân trần: “Ðã chăn nuôi là phải chấp nhận rủi ro, một năm cũng có tháng kém, có tháng được. Từ khi chuyển ra vùng chăn nuôi tập trung, việc tổ chức chăn nuôi của gia đình tôi ổn định hơn, trang trại vừa tự sản xuất con giống, phòng dịch bệnh, vừa tự lo tính toán thời điểm ” ra, vào đàn” hợp lý, cho nên không bị tư thương ép giá. Vì thế sản phẩm bán ra thường cao hơn so “mặt bằng” của thị trường”.
Theo quy hoạch của huyện Quốc Oai, khu chăn nuôi tập trung ở xã Cấn Hữu có diện tích 55,6 ha, tính đến nay đã có 25 hộ tham gia. Theo Chủ nhiệm HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ Nguyễn Văn Thanh, đại diện hơn 15 hộ chăn nuôi ở khu chăn nuôi tập trung Ðồng Tý, xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) thì cho rằng, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư rất thuận lợi cho việc xử lý ô nhiễm môi trường, không chỉ của riêng huyện mà của cả thành phố.
Minh chứng cho việc xử lý ô nhiễm môi trường bằng công trình hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi, thu hồi khí biogas theo cơ chế phát triển sạch CDM của gia đình vừa được khởi công. Anh phấn khởi cho biết: “Công trình này có tổng kinh phí lên tới 33 tỷ đồng và dự kiến, sau hai tháng nữa sẽ hoàn thành, vừa có thể xử lý nước thải cho trang trại với quy mô 15 nghìn con lợn, vừa có thể phát điện với công suất 2MW/ngày”.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sau hai năm triển khai chương trình, đến nay thành phố đã xây dựng được 12 xã chăn nuôi trọng điểm bò sữa với tổng đàn hơn 10 nghìn con (chiếm hơn 80% tổng đàn bò sữa của thành phố), với sản lượng sữa 78,96 tấn/ngày; 15 xã chăn nuôi bò thịt với hơn 22 nghìn con (chiếm khoảng 19% tổng đàn bò).
Xây dựng được bốn vùng chăn nuôi lợn tại các huyện: ứng Hòa, Thạch Thất, Thanh Oai, Sơn Tây với tổng đàn hơn 200 nghìn con và 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm trên địa bàn thị xã Sơn Tây, các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Ðức và Gia Lâm; còn sáu khu chăn nuôi lợn tập trung tại bốn huyện, thị xã trên địa bàn thành phố với hơn 27 nghìn con. Hình thành rõ nét và tập trung phát triển sáu vùng chăn nuôi gà tập trung với quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Ðông Anh, Sơn Tây, Quốc Oai, Sóc Sơn với gần ba triệu con và hai vùng chăn nuôi vịt quy mô lớn tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa.
Ðây chính là những cơ sở để xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thông qua các doanh nghiệp, góp phần tạo nguồn cung thực phẩm ổn định cho thành phố. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững các vùng chăn nuôi hàng hóa nêu trên, thì cần phải tiếp tục có những tháo gỡ về cơ chế, chính sách về đất đai, vốn tín dụng tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch chăn nuôi của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng sản xuất giống chất lượng, tuyển và lựa chọn công nghệ để đưa vào sản xuất.
Hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm
Hà Nội hiện đang đứng đầu cả nước về tổng đàn gia súc, gia cầm với 1,4 triệu con lợn, gần 20 triệu con gia cầm và 166 nghìn con trâu, bò. Hằng năm, ngành chăn nuôi Hà Nội sản xuất từ 390 đến 400 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm, 65 nghìn tấn thủy sản (đáp ứng được 60 đến 65% nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tươi sống của Thủ đô); và còn cung cấp khoảng 50 triệu con gia cầm, từ 5.000 đến 7.000 con bò giống cho các tỉnh lân cận…
Mặc dù có thị trường tiêu thụ lớn, song liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm. Do đầu ra chưa ổn định, giá thức ăn lại tăng cao, chi phí vận chuyển lớn, cho nên không ít hộ chăn nuôi bị thua lỗ. Theo phản ánh của các chủ trang trại, từ giữa tháng 6 trở lại đây, giá thịt lợn hơi ở các tỉnh phía bắc có nhích lên từ 41 đến 42 nghìn đồng/ kg. Mức tăng không nhiều, cho nên với những hộ chăn nuôi nhỏ thì vẫn phải chịu lỗ, còn những trang trại chăn nuôi lớn như gia đình anh Thanh (quy mô 1.000 con lợn nái) là hòa vốn.
Mặc dù giá bán tại các trại thấp như vậy, song ở các chợ, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao hơn hai lần. Ðó cũng là nghịch lý, là khâu yếu của ngành chăn nuôi, do chuỗi giá trị chăn nuôi quá dài, từ sản xuất đến tiêu dùng phải trải qua bảy đến tám nấc trung gian. Kết quả cuối cùng là cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều phải chịu thiệt.
Ðể chăn nuôi hiệu quả, khắc phục được những khó khăn nêu trên, theo Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, kể từ năm 2012, thành phố bước đầu đã hình thành các chuỗi chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm khép kín như: tiêu thụ sản phẩm trứng gà Tiên Viên (với lượng tiêu thụ ban đầu là 70 nghìn quả/ ngày tại 90 cửa hàng; giá trứng cao hơn 150 đồng/quả so tiêu thụ tự do); xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ thịt lợn hữu cơ của trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn) tại 10 cửa hàng tiêu thụ tại các quận nội thành.
Theo kế hoạch, năm 2013, thành phố tiếp tục giao Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội triển khai tám chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, gồm: gà thả vườn Ba Vì, vịt Vân Ðình, trứng Liên Châu, vịt Ðại Xuyên, gà mía Sơn Tây, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt bò Hà Nội. Ðồng thời tư vấn, hỗ trợ đăng ký bảy nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi-tiêu thụ.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 5 vừa qua, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội đã ký chương trình hợp tác kết nối và xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn với bốn công ty gồm: Công ty CP Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, Công ty CP Tư vấn dịch vụ và thương mại nông sản thực phẩm nông thôn, Công ty CP ứng dụng phát triển công nghệ sinh học Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại quốc tế Victory Asean. Theo đó, các công ty cam kết sẽ trực tiếp làm việc với các chủ hộ chăn nuôi lớn để có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho các hộ dân.
Trước mắt, trong thời gian tới, cần tập trung đối với các hộ chăn nuôi với quy mô lớn, hướng dẫn các hộ thực hiện chăn nuôi theo quy trình để bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðồng thời, tăng cường công tác truyền thông để việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm.
Có thể thấy, việc hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm là những tín hiệu đáng mừng đối với người chăn nuôi Hà Nội trong bối cảnh bộn bề khó khăn của ngành chăn nuôi. Và cùng với việc xây dựng các xã chăn nuôi trọng điểm, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư sẽ là những giải pháp đột phá trong việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Hà Nội, nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố và thu nhập của người chăn nuôi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()