Hà Nội: Tập trung đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ rau an toàn
Để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT), Hà Nội đã thực hiện một loạt nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được nhiều kết quả. Hiện nay, ngành nông nghiệp Thủ đô đang tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ phát triển sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ cho nông dân - Đây được coi là những công việc đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và tiêu thụ RAT.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT), Hà Nội đã thực hiện một loạt nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được nhiều kết quả. Hiện nay, ngành nông nghiệp Thủ đô đang tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ phát triển sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ cho nông dân – Đây được coi là những công việc đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và tiêu thụ RAT.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thăm mô hình |
Rau an toàn – hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả
Thành phố Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau trên 12.000 ha, tương đương 29.000 ha gieo trồng/năm, có khả năng đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu rau xanh của người dân Thủ đô. Với giá trị từ 200 triệu đồng/ha đến 500 triệu đồng/ha, mô hình sản xuất rau RAT đang trở thành hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả cho một số địa phương có tập quán sản xuất phù hợp.
Đến tháng 7/2013, các điạ phương đã lập 31 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích trên 2.080 ha, sản lượng đạt khoảng 295.000 tấn/năm (tương đương 800 tấn/ngày). Một số dự án đã thi công xong và đưa vào sử dụng như Yên Mỹ, Duyên Hà, Thanh Đa; có 10/31 dự án đã được phê duyệt và đang thi công… Nhiều nơi phát triển RAT đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như tạo việc làm, tăng thu nhập.
Tại các vùng sản xuất RAT, nông dân được đào tạo, huấn luyện về sản xuất RAT thông qua nhiều hình thức như lớp tập huấn ngắn hạn nhằm nâng cao kỹ thuật sản xuất RAT, lớp đào tạo sản xuất RAT theo VietGAP… Ở các vùng sản xuất tập trung, nông dân được thử nghiệm và chuyển giao tiến bộ khoa học cho hiệu quả vào sản xuất RAT.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân, để kiểm soát tốt quy trình sản xuất, Sở giao Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) thường xuyên cử cán bộ xuống giám sát, in các tài liệu, tờ rơi và tập huấn cho nông dân tại các vùng RAT về kỹ thuật sản xuất, danh mục thuốc BVTV được sử dụng trên rau, sổ ghi chép VietGap, lấy mẫu rau phân tích để kiểm tra chất lượng… Các cơ quan liên quan thường xuyên có các đợt kiểm tra liên ngành, chuyên ngành các cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT; đã đưa vào hoạt động Trạm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm cây trồng Hà Nội.
Để truy sản xuất nguồn gốc RAT, Chi cụ BVTV Hà Nội thí điểm gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT bán buôn. Để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm, từ tháng 9/2012 đã triển khai dán tem nhận diện “Ran an toàn Hà Nội” cho RAT bán lẻ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ…
Hiện tại, Chi cục BVTV đã phối hợp với các quận, huyện rà soát, định vị được 4.500ha RAT phân bố ở 116 xã trọng điểm chuyên rau. Trong đó, có trên 3.800ha RAT đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, 700ha sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận trong quý III năm nay. Đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế RAT cho 30 cơ sở có hoạt động sơ chế trên địa bàn. Các địa phương đã xây dựng được 4 cơ sở sơ chế RAT gắn với vùng RAT tập trung có công suất lớn từ 2 – 5 tấn/ngày.
Đặc biệt, Chi cục BVTV đã phối hợp với các địa phương tiếp tục duy trì tốt công tác quản lý, chỉ đạo hai vùng sản xuất RAT tập trung từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đó là vùng RAT xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì với quy mô 57ha và vùng RAT Thanh Đa, huyện Phúc Thọ với quy mô 50ha. Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức gắn nhãn nhận diện nguồn gốc tại các vùng rau này.
Đẩy mạnh sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ
Ngoài diện tích sản xuất RAT, Thành phố đã hướng dẫn, giám sát 18 vùng sản xuất RAT theo VietGAP với tổng diện tích trên 150ha, sản lượng đạt tương đương 22,5 tấn/ngày. Thành phố duy trì quản lý 11 nhóm sản xuất rau hữu cơ (chủ yếu ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) với diện tích 12 ha; đang chuyển đổi một số vùng sản xuất rau hữu cơ quy mô 6ha.
Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, để giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sản xuất RAT, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao chi cục rà soát thực trạng và đánh giá nhanh điều kiện sản xuất rau ở các vùng, đặc biệt là ở các vùng sản xuất rau không thuộc quy hoạch, đất phi nông nghiệp, đất xen kẹt… để đưa vào sản xuất RAT giúp nông dân tăng thu nhập.
Chăm sóc rau an toàn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm – Ảnh: TH |
Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất RAT ở Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, số lượng hộ nông dân quá lớn (khoảng 180.000 hộ sản xuất rau) gặp khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo, giám sát RAT. Do đó, việc tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ phát triển sản xuất, tiêu thụ RAT, phấn đấu đạt mức mục tiêu đến năm 2016 đạt 6.000 – 6.200 ha RAT với sản lượng 320.000 – 325.000 tấn/năm, trong đó RAT theo VietGAp đạt 150 – 200 ha đang là giải pháp được Hà Nội ưu tiên.
Một vấn đề nữa là công tác tiêu thụ RAT. Tìm hiểu tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm – vùng sản xuất RAT có tiếng của Hà Nội, chúng tôi được biết, người trồng RAT Văn Đức cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Thực tế, chi phí và quy trình sản xuất RAT cao hơn và đòi hỏi nghiêm ngặt hơn so với rau thường nhưng giá bán lại không cao hơn nhiều. Cùng với đó là nhiều loại rau Trung Quốc có giá bán rất rẻ cũng tạo áp lực cho tiêu thụ RAT. Vấn đề này đang cản trở mô hình sản xuất RAT tại nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô chứ không riêng gì xã Văn Đức. Do đó, để giúp nông dân yên tâm sản xuất, thành phố đã, đang và sẽ có các có chính sách hỗ trợ người sản xuất RAT.
Đáng chú ý, nhằm giúp kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, Chi cục BVTV đã phối hợp với Công ty VietXan xây dựng và vận hành “sàn giao dịch rau và thực phẩm an toàn Hà Nội” để thực hiện việc giới thiệu, quảng bá các cơ sở sản xuất RAT trên sàn; hỗ trợ tiếp thị, kết nối các đơn vị tham gia sàn với khách hàng tiêu thụ…
Để đa dạng hóa hình thức cung ứng, giảm chi phí trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm RAT tới tay người tiêu dùng, Sở NN&PTNT đã giao Chi cục BVTV phối hợp với Sàn giao dịch rau, quả và thực phẩm an toàn thí điểm mở các điểm phân phối RAT tại các khu dân cư, cơ quan. Kết quả đến tháng 7/2013 đã vận hành 72 điểm tại khu dân cư, cơ quan, chủ yếu ở các quận nội thành Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa…
Sở NN&PTNT đang tiến hành thủ tục xin đăng ký bảo hộ và xây dựng nhãn hiệu “Rau an toàn Hà Nội” dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ, xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu RAT. Đây sẽ là tiền đề giúp ổn định đầu ra cho RAT Hà Nội, hướng tới chủ động cung ứng rau sạch cho nhân dân Thủ đô và xuất bán sang các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương triển khai gắn nhãn, dán tem nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT, sản lượng RAT được gắn tem nhãn bán buôn và bán lẻ ước đạt 32 – 35 tấn/ngày.
Thành phố sẽ xây dựng và phát triển mạng lưới tiêu thụ RAT qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng như mở rộng và phát triển các điểm bán, phân phối RAT tại khu dân cư, nhất là khu vực nội thành. Đồng thời kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các điểm thu gom, tập kết kinh doanh RAT để tạo nguồn rau phong phú, đa dạng cung cấp cho mạng lưới tiêu thụ.
Hy vọng, với cách làm đồng bộ, bài bản, việc sản xuất và tiêu thụ RAT thành phố Hà Nội sẽ thu được kết quả như mong muốn, đáp ứng được nhu cầu về RAT trên địa bàn Thủ đô.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()