Hà Nội tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính
* Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Trong các ngày 5 và 6-4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội họp hội nghị lần thứ tư, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ba tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm chín tháng cuối năm, thảo luận Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và chương trình công tác của Thành ủy về "Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội". Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.Theo báo cáo của UBND thành phố, trong quý I, Hà Nội đạt mức tăng trưởng GDP là 9,2%, thu ngân sách đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng 24%... Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, thành phố đã ứng 400 tỷ đồng để hỗ trợ 14 doanh nghiệp dự trữ hàng hóa thiết yếu, tổ chức 398 điểm bán hàng bình ổn; tạm ngừng mua sắm tài sản có giá trị 88 tỷ đồng; đề xuất đình hoãn, giãn tiến...
* Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường
Trong các ngày 5 và 6-4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội họp hội nghị lần thứ tư, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội ba tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm chín tháng cuối năm, thảo luận Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và chương trình công tác của Thành ủy về “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của UBND thành phố, trong quý I, Hà Nội đạt mức tăng trưởng GDP là 9,2%, thu ngân sách đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng 24%… Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, thành phố đã ứng 400 tỷ đồng để hỗ trợ 14 doanh nghiệp dự trữ hàng hóa thiết yếu, tổ chức 398 điểm bán hàng bình ổn; tạm ngừng mua sắm tài sản có giá trị 88 tỷ đồng; đề xuất đình hoãn, giãn tiến độ 17 dự án thành phố quản lý với kinh phí điều chỉnh giảm 104 tỷ đồng; ở cấp quận, huyện, thị xã là 97 dự án với số tiền 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 12% của thành phố chắc chắn gặp khó khăn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội giảm 10 bậc đã phản ánh những bất cập trong cải cách hành chính, năng lực điều hành.
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội của Thủ đô còn những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục. Đó là, chỉ số giá tiêu dùng CPI cao hơn mức bình quân chung của cả nước, vi phạm xây dựng, đất đai tiếp tục tái diễn; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố chưa được cải thiện… Ngoài yếu tố khách quan, có nguyên nhân do yếu kém trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; thái độ, ý thức, trách nhiệm và năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phạm Quang Nghị yêu cầu UBND thành phố cần tập trung các nguồn lực và có cách làm phù hợp, khả thi, kể cả tăng cường phân cấp để tháo gỡ, làm tốt công tác quy hoạch. Trước hết, chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục chấn chỉnh trật tự kỷ cương trong công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, kiên quyết lập lại kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này. Tăng cường quản lý kiến trúc đô thị, nhất là các công trình cao tầng ở khu vực nội thành, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tập trung triển khai các dự án trọng điểm của thành phố trong lĩnh vực giao thông, phát triển văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục,… Phải tiến hành cải cách hành chính theo hướng kỷ cương, công khai, minh bạch, tạo chuyển biến mạnh về kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, điều chuyển kịp thời các trường hợp cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ và vi phạm kỷ luật.
* Ngày 6-4, TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Tổng kết chín năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố (2002-2011). Dự hội nghị, có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Hoàng Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố. Đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ, lãnh đạo các quận, huyện, sở, ban, ngành và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của thành phố đối với cả nước và trước hết là đối với nhân dân thành phố. Từ năm 2002 đến nay, TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu vào các dịp trước, trong và sau Tết nhằm đưa nguồn hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, nhiều năm qua, thành phố chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình, tăng cường phát triển hệ thống phân phối hàng bình ổn, những điểm bán vào các chợ truyền thống, khu chế xuất, khu công nghiệp, các quận vùng ven. Tính đến nay, chương trình đã mở được 2.188 điểm, tăng 643 điểm so với Tết Canh Dần (1.545 điểm) trong đó có 801 điểm bán tại các chợ truyền thống, các siêu thị thuộc hệ thống Sài Gòn Co.op, Vinatex, Maximax, các trung tâm thương mại… Ngoài ra, mỗi năm thành phố tổ chức hơn 500 chuyến bán hàng lưu động đến 77 điểm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, nhà ở sinh viên, nhà trọ sinh viên, các khu vực ngoại thành phục vụ nhu cầu của bà con nông dân, công nhân, sinh viên, các gia đình chính sách, người lao động có thu nhập thấp.
Với lượng hàng hóa dồi dào, phong phú, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm và an toàn vệ sinh thực phẩm, thành phố đã từng bước hạn chế, kiểm soát được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, không phát sinh các điểm nóng, 'thiếu hàng sốt giá'.
Về định hướng phát triển chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu trong những năm tới (2011-2015), trước mắt, thành phố đã xây dựng chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trong năm 2011 và những năm tới với mục tiêu một số nội dung trọng tâm sau: Tiếp tục hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư tạo nguồn hàng, mở rộng mạng lưới phân phối, cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành…
Thành phố đề ra một số giải pháp chủ yếu trong đó nhấn mạnh các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi và đánh giá sát diễn biến thị trường, xác định trách nhiệm, phân công cụ thể từng cấp, từng đơn vị nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp. Tiếp tục phát triển mạng lưới phân phối, mở các điểm bán trong khu vực chợ truyền thống, các HTX. Tăng lượng hàng hóa về các khu dân cư, các khu chế xuất – công nghiệp thành phố, giảm dần các chợ tự phát, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người lao động thu nhập thấp, đẩy mạnh tổ chức các Hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn; thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình mang tính chiến lược dài hạn; kiểm tra việc chuẩn bị nguồn hàng, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa đưa vào thị trường, kiểm tra giá cả, niêm yết giá, hệ thống phân phối của các đơn vị tham gia chương trình; xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá; nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp; Hội doanh nghiệp các quận, huyện, Hiệp hội ngành nghề trong thực hiện vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, hàng gian, hàng giả, hàng lậu, xử lý nghiêm nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, ổn định thị trường; thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Nhà nước, tình hình thị trường đến các tầng lớp nhân dân; tăng cường liên kết, phối hợp giữa thành phố với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên trong các lĩnh vực…
Theo Nhandan
Ý kiến ()