Hà Nội tăng cường kiểm soát thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2018
Mỗi dịp Tết nguyên đán đến nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng lên. Vì thế, nguy cơ xuất hiện trên thị trường các loại sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ rất cao. Bởi vậy, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho người dân dịp Tết Nguyên đán, thành phố Hà Nội phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh và người dân tham gia đảm bảo ATVSTP.
Phạt 33 tỷ đồng vi phạm ATTP
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2017, UBND Thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý về ATTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được đẩy mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2017 toàn Thành phố đã kiểm tra 95.172 cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 21.705 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 533 cơ sở, phạt tiền 6.948 cơ sở với số tiền phạt: 33 tỷ đồng, hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP.
Cùng với đó, Thành phố cũng kiện toàn và duy trì hoạt động 4 đội cơ động điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tuyến Thành phố, chủ động giám sát ATTP phục vụ Hội nghị, sự kiện lớn của Trung ương và Thành phố với trên 60.000 suất ăn bảo đảm ATTP. 9 tháng đầu năm 2017, toàn Thành phố ghi nhận có 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 09 người mắc tại bếp ăn tập thể đã được điều tra xử lý kịp thời không có tử vong, ghi nhận 11 vụ ngộ độc Methanol với 37 trường hợp mắc, trong đó 10 trường hợp tử vong.
Đặc biệt trong đợt cao điếm phòng chống ngộ độc Methanol, xét nghiệm nhanh methanol 3.554 mẫu rượu, số mẫu rượu lấy xét nghiệm Methano tại Labo là 112 mẫu, trong đó có 107 mẫu có Methanol nằm trong giới hạn cho phép và 05 mẫu có methanol vượt giới hạn cho phép.
Cùng với đó, Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra 04 cơ sở gồm: Công ty Cổ phần Bánh Ngọt Anh Hòa (địa chỉ số 55 Khuất Duy Tiến); Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh; Công ty TNHH Hải Hà-Kotobuki; Công ty TNHH Khách sạn Hà Nội Fortuna. Qua kiểm tra thực tế, về cơ bản các cơ sở có ý thức tuân thủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm tồn tại như: Tại Công ty Cổ phần Bánh Ngọt Anh Hòa (địa chỉ số 55 Khuất Duy Tiến), một số nhân viên không đeo khẩu trang, chưa vệ sinh nền nhà kịp thời sau khi sản xuất. Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh có một số thùng hàng lỗi trả lại để lẫn với khu vực thành phẩm, một số nhân viên không đeo găng tay trong phòng đóng thành phẩm…
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong công tác bảo đảm ATTP thời gian qua vẫn có những khó khăn như một số nội dung trong văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất và chưa đầy đủ (ví dụ như Nghị định 178/NĐ-CP xử phạt hành chính về ATTP không có khung xử lý vi phạm về người sản xuất kinh doanh chế biến không có giấy xác nhận kiến thức về ATTP, cơ sở không cam kết ATTP); phòng kiểm nghiệm tuyến Thành phố chưa đáp ứng việc phân tích một số chỉ tiêu hóa lý, chất cấm, chất tồn dư có nguy cơ cao trong thực phẩm nông lâm thủy sản; nhân lực chuyên trách ATTP các tuyến còn thiếu; cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh trên địa bàn xã/phường/thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại nhiều chợ tạm, chợ cóc…Bởi vậy, để đảm bảo VSATTP những tháng giáp Tết, Thành phố Hà Nội phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh và người dân tham gia đảm bảo ATVSTP
Tăng cường kiểm soát thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2018
Chỉ còn 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán 2018 sẽ bắt đầu và ngay từ thời điểm này, không khí mua sắm trên thị trường đã bắt đầu sôi động. Nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu giới thiệu các sản phẩm phục vụ dịp Tết, trong đó, hàng Việt Nam chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Theo Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, đơn vị này đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tuồn vào tiêu thụ tại Thủ đô trong dịp Tết. Sở Công Thương cũng cam kết sẽ giải quyết những khó khăn chính đáng của doanh nghiệp để việc cung ứng hàng hóa dịp Tết được thuận lợi. Đồng thời, TP. Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chợ đầu mối theo quy hoạch, làm cơ sở quản lý đầu mối tập trung đối với vệ sinh ATTP.
Tại Hội nghị về đẩy mạnh an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán 2018 được tổ chức ở Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, theo quy định mới, ngày 1/1/2018, việc sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong thực phẩm sẽ bị chuyển sang cơ quan điều tra xử lý.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết, lực lượng chức năng đã có công cụ kiểm tra nhanh thực phẩm an toàn. Nếu sản phẩm nghi có sử dụng formal, hàn the sẽ được lấy mẫu kiểm tra ngay.
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho hay, trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với vấn đề an toàn thực phẩm rất lớn nên cần quan tâm chỉ đạo sát sao. Vì nếu trên địa bànThành phố xảy ra vụ việc đưa thực phẩm không an toàn tới người dân thì diễn biến sẽ rất phức tạp./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()