Hà Nội: Quyết liệt xoá bỏ điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, số điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không được kiểm soát chiếm tỷ lệ cao (56%), khoảng 396 tấn thịt gia súc, gia cầm/ngày.
Đây là số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tại hội nghị giao ban quản lý chất lượng giết mổ, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn quý I/2015 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt chủ trì sáng ngày 15/4.
|
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt phát biểu tại hội nghị – Ảnh: PC |
Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết, chăn nuôi của Hà Nội có hơn 164 nghìn con trâu bò, hơn 1,4 triệu con lợn và hơn 25 triệu con gia cầm các loại. Với sản lượng thịt trâu, bò là 10,6 nghìn tấn; thịt lợn 297 nghìn tấn; thịt gia cầm 81 nghìn tấn… Cùng với nhiều loại hình giết mổ gia súc, gia cầm (3 cơ sở giết mổ công nghiệp; 14 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; 5 cơ sở giết mổ tập trung thủ công).
Tổng lượng thịt giết mổ của Hà Nội đạt 314,5 tấn/ngày so với nhu cầu thực phẩm 800 tấn/ngày, đã đáp ứng 44% sản phẩm giết mổ trên địa bàn có kiểm soát.
Tuy nhiên, số điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không được kiểm soát chiếm tỷ lệ cao (chiếm 56%), khoảng 396 tấn thịt gia súc, gia cầm/ngày.
Vì vậy, để đảm bảo sản phẩm giết mổ đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, có kiểm soát, trong thời gian đến năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội kiến nghị cần tăng số cơ sở và nâng công suất giết mổ lên 6 cơ sở giết mổ công nghiệp đạt 205 tấn thịt gia súc/ngày, 180 tấn thịt gia cầm/ngày; phát triển thêm 6 đến 8 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, tập trung, số lượng giết mổ 205 tấn/ngày…
![]() |
Tổng lượng thịt giết mổ có kiểm soát của Hà Nội mới đáp ứng 44% nhu cầu |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc triển khai thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ, tại các huyện, thị xã còn gặp khó khăn trong khâu bố trí đất đai, giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn vốn; bộ máy làm công tác quản lý thực phẩm tại quận, huyện, thị xã còn thiếu; công tác đánh giá, kiểm tra, phân loại điều kiện thực phẩm nông, lâm, thủy sản do cấp quận, huyện quản lý còn thấp… Các đại biểu cho rằng, phần lớn người tiêu dùng vẫn chấp nhận sử dụng các sản phẩm kém chất lượng, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cho rằng, cần có sự phối hợp liên ngành (nông nghiệp, công an, quản lý thị trường, y tế), UBND các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động giết mổ. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền lâu dài, kiên trì, để giúp người dân nâng cao nhận thức trong lĩnh vực giết mổ cũng như cách nhận biết thực phẩm an toàn và không an toàn; đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý về giết mổ và các cơ sở tham gia giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn các huyện, thị xã…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị trong thời gian tới, cần chú trọng việc phát triển giết, mổ theo phương pháp công nghiệp tập trung, thống nhất tạo nguồn nguyên liệu ổn định để thành chuỗi liên kết bền vững, tránh tình trạng xây dựng nhà máy giết mổ nhưng không sử dụng. Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt đề nghị Cục Thú y, UBND huyện, thị xã chủ động phối hợp trong việc cấm giết, mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư và triển khai đưa các điểm, hộ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung…
Theo CPV
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()