Rút vào “du kích”
Theo thống kê, trên toàn thành phố Hà Nội có khoảng 2.500 đại lý internet và 15 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập internet và trò chơi trực tuyến. Theo quy định, đại lý internet có cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải cách cổng trường học (từ mẫu giáo đến phổ thông trung học) tối thiểu 200m để bảo đảm có một môi trường trong lành cho con trẻ chuyên tâm học tập.
Vì vậy, sau một thời gian Sở Thông tin – Truyền thông (TTTT) Hà Nội và các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, thực thi nghiêm túc các quy định về quản lý các đại lý internet trên địa bàn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet đã chủ động rà soát, ngừng cung cấp đường truyến của các đại lý internet gần trường học… tính đến thời điểm này, theo báo cáo của phòng văn hoá – thông tin các quận, huyện, thị xã, hiện không còn đại lý internet gần trường học dưới 200m.
Giám đốc Sở TTTT Hà Nội Phạm Quốc Bản cho biết, có một số đại lý internet gần trường học đối phó bằng cách tháo biển kinh doanh nhưng vẫn kinh doanh; dùng đường truyền cá nhân để kinh doanh dịch vụ đại lý internet; tắt đèn, đóng cửa sau 23 giờ nhưng vẫn “lén lút” hoạt động… Nhưng đến nay với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp các ngành, đến thời điểm này có thể nói, không còn một đại lý internet nào còn bám trường học.
Thế nhưng theo khảo sát của chúng tôi nhiều quán net vẫn hoạt động như bình thường. Ngay trên phố Thụy Khuê, một đại lý game siêu tốc nằm ngay mặt tiền của phố và giữa bốn trường từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT đều mang tên Chu Văn An. Sở dĩ quán net này không bị các ngành chức năng liệt vào danh sách cần xóa vì họ chọn địa điểm khá hợp. Tất cả các trường đều cách quán này trên con số 200m.
Trong không khí đặc quánh mùi khói thuốc phả ra từ các con nghiện “cày” game, thỉnh thoảng tiếng chửi tục thỉnh thoảng lại vang lên từ những cậu bé “miệng còn hôi sữa” mà chắc không có nhiều cha mẹ có thể tưởng tượng ra. Điều đáng nói là ngay trong đầu giờ sáng – thời điểm con trẻ đang phải đến trường lo học chữ thì không ít cô cậu học trò đến đây để chơi game.
Trên đường Lương Thế Vinh, nơi có nhiều học sinh các trường như trường chuyên của Đại học KHTN, TPTH dân lập Đào Duy Từ, trường Việt Nam – Angeri thường xuyên qua lại, một số quán net vẫn luôn sẵn sang phục vụ nên nên chỉ cần có nhu cầu là bọn trẻ có thể có ngay địa điểm. Theo nhiều người dân sống quanh khu vực này các quán net này vẫn hoạt động như không hề biết đến lệnh giới nghiêm của các ngành chức năng. “Tôi không biết là khoảng cách từ trường học của trẻ đến quán này là 200m hay không nhưng rất gần, quanh đây đông trường. Vả lại, ngày nào mà bọn trẻ chẳng đi bộ từ bến xe buýt vào trường và đi qua đó. Nên cha mẹ làm sao biết được con mình có chơi hay học”, ông Nguyễn Vĩnh Tiến, đường Lương Thế Vinh cho hay.
Lý do khiến các đại lý kinh doanh dịch vụ internet vẫn quyết bám trường vì nếu không dựa vào lượng khách học trò chắc chắn họ sẽ không khó kinh doanh nghề này. Còn đối với các học trò nghiện game, chơi ở nhà một mình rất chán, lại bị cha mẹ kiểm soát nên cứ thì thà thì thụt. “Ở nhà bật máy lên, lúc nào mẹ gõ cửa thì tắt màn hình đi, nhưng đau tim lắ ! Thôi ra ngoài chơi với chiến hữu, khoái hơn nhiều”. Đó là lý do để trẻ ngày càng mê các quán game, quán net ầm ĩ, ồn ào.
Cách cổng chính 200m nhưng đối diện cổng sau
Theo quan sát của chúng tôi, các cửa hàng internet không hề đóng cửa, tắt đèn, dỡ biển mà đã mở cửa, treo biển và quảng cáo những trò chơi game cực sốc để hút các thượng đế nhí. Có mặt tại trường Tiểu học Tô Hoàng nằm trên đường Đại Cổ Việt vào lúc 8 giờ sáng mới thấy không ít thượng đế nhí sau khi chào từ biệt phụ huynh đã “dạt” vào quán nước và cố tình quên nhiệm vụ học của mình. Đó là một quán net nằm đối diện cổng sau của trường tiểu học Tô Hoàng.
Nếu xét theo tiêu chí mà Sở TTTT đưa ra, quán net này tuân thủ đúng quy định vì đi vòng đến cổng chính cũng phải mất 200m. Tuy nhiên, quán nằm ở ngay cổng sau của trường rất tiện học sinh ra vào khi muốn. Rất nhiều người sống chung quanh khu vực này cho biết, sau rất nhiều lần di chuyển, hoạt động bí mật thì cuối cùng vẫn tồn tại để phục vụ các thượng đế là học sinh của trường tiểu học Tô Hoàng.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở TTTT Hà Nội Phạm Quốc Bản cho biết: Sau khi Sở mở những chiến dịch ra quân quét sạch game cạnh trường học thì đã giao địa bàn “sạch” lại cho chính quyền cơ sở quản lý. Sở cũng đã chỉ đạo Phòng văn hóa thông tin của các quận, huyện, phường, xã phải liên tục hậu kiểm tránh tình trạng game quay trở lại các trường học. Tuy nhiên, thực hiện tốt vấn đề này hay không lại tùy thuộc vào cơ sở. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiến hành thanh kiểm tra lại các điểm kinh doanh sai phạm trên địa bàn, nhất quyết không để tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Rõ ràng, khi các cơ quan chức năng ra sức ngăn chặn, ngừng cung cấp đường truyền, quyết xóa bằng được các quán net gần trường học nhưng xem ra hiệu quả nhiều khi chỉ trong một thời gian ngắn hoặc tại một số điểm nào đó. Các quán net mở ra để kinh doanh nên vì lợi nhuận nhiều cửa hàng vẫn cứ cố gắng tồn tại và tìm mọi cách thoát khỏi “vòng kim cô” của các cơ quan quản lý dưới mọi hình thức.
Khoảng cách 200m được đặt ra như là một tiêu chí định lượng nhưng chỉ cần trượt ra ngoài giới hạn đó vài bước chân, việc kinh doanh các quán net, phục vụ khách hàng chơi game online hoàn toàn “bình an vô sự”. Một người dân sinh sống nhiều năm cạnh các quán net cho rằng, đó là nghề mà nhiều người trông vào để kiếm sống do đó nếu chỉ làm kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” thì chẳng bao giờ dẹp được hết.
Ý kiến ()