Hà Nội phát triển y, dược cổ truyền trong khám chữa bệnh
Thời gian tới, Hà Nội phấn đấu 100% bệnh viện đa khoa có khoa y dược cổ truyền, các phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn có bộ phận y, dược cổ truyền.
Các trạm y tế ở Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành khôi phục vườn thuốc nam, phấn đấu 25% số xã đạt tiên tiến về y dược cổ truyền theo quy định của Bộ Y tế. (Nguồn: TTXVN)
Xác định phát triển y học cổ truyền là hướng đến lợi ích của nhân dân, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thành phố Hà Nội đã đặc biệt quan tâm trồng, phát triển cây thuốc y học cổ truyền và đưa thầy thuốc y học cổ truyền về trạm y tế.
Hiện nay, mạng lưới y học cổ truyền đã được bao phủ khắp các quận, huyện, phường, xã… trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thời gian tới, Hà Nội phấn đấu 100% bệnh viện đa khoa có khoa y dược cổ truyền, các phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn có bộ phận y, dược cổ truyền.
Công tác khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền kết hợp với y học hiện đại tại tuyến thành phố đạt 10%; tuyến huyện đạt 15%; tuyến xã phường đạt trên 30%.
Cùng với đó, thành phố sẽ đảm bảo tỷ lệ sử dụng thuốc và các chế phẩm y dược cổ truyền tăng lên, đối với tuyến thành phố đạt 15%; tuyến huyện đạt 20% và tuyến xã phường đạt 30%.
Các trạm y tế sẽ tiếp tục tiến hành khôi phục vườn thuốc nam, 25% số xã đạt tiên tiến về y dược cổ truyền theo quy định của Bộ Y tế.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 7984/KH-SYT phát triển y, dược cổ truyền, kết hợp y, dược cổ truyền với y học hiện đại thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thuốc và phương pháp điều trị của y, dược cổ truyền; vận động nhân dân khôi phục phong trào trồng, sử dụng các “cây thuốc gia đình” và các phương pháp chữa bệnh đơn giản không dùng thuốc cho một số chứng bệnh thông thường tại cộng đồng…
Sở hoàn thiện hệ thống tổ chức làm công tác y, dược cổ truyền và phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, bố trí cán bộ chuyên trách y học cổ truyền thuộc phòng nghiệp vụ y.
Các bệnh viện đa khoa y học cổ truyền thành phố có phòng chỉ đạo tuyến. Bệnh viện Đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố, tuyến huyện có khoa y học cổ truyền. Trung tâm y tế huyện có cán bộ chuyên trách y học cổ truyền. Các phòng khám, trạm y tế có bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Về phát triển nguồn nhân lực, thành phố tăng cường đào tạo cán bộ y học cổ truyền có trình độ cao như bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sỹ, tiến sỹ.
Đến năm 2025, các phòng khám đa khoa thuộc trung tâm y tế huyện có bác sĩ trình độ sau đại học về chuyên khoa y học cổ truyền. 100% Trạm Y tế có cán bộ trình độ trung học y học cổ truyền trở lên.
Ngành Y tế tập trung phát triển hệ thống khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền bằng cách xây dựng đề án phát triển Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I; đề án đầu tư xây mới một Bệnh viện Y học cổ truyền tại huyện Gia Lâm với quy mô 300 giường; đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông với quy mô 300 giường tại quận Hà Đông.
Cùng với đó, ngành củng cố, phát triển khoa y, dược cổ truyền tại các bệnh viện, tổ y, dược cổ truyền tại phòng khám đa khoa và trạm y tế…; hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện y học cổ truyền tư nhân, phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân phát triển; có chính sách đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực y, dược cổ truyền.
Ngành Y tế chú trọng việc nghiên cứu khoa học và công tác kế thừa về y, dược cổ truyền như những bài thuốc hay, những kinh nghiệm điều trị hiệu quả cao, vận dụng các thành tựu của khoa học hiện đại để chứng minh giá trị và hiệu quả của y, dược cổ truyền.
Để nâng cao chất lượng dược liệu và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, ngành Y tế khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để đưa vào sản xuất với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng tại các bệnh viện, các công ty dược; xây dựng và phát triển vườn thuốc nam mẫu tại các bệnh viện y học cổ truyền, khoa y học cổ truyền, phòng khám, trạm y tế xã; lưu giữ, phát triển các bài thuốc, phương pháp chữa bệnh dân gian, cổ truyền, đặc biệt ở khu vực huyện Ba Vì, Thạch Thất và các quận, huyện, thị xã.
Cùng với đó, ngành Y tế tăng cường công tác quản lý hành nghề y, dược cổ truyền; có cơ chế chính sách để phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại cũng như đảm bảo tài chính cho hoạt động này./.
Ý kiến ()