Xây dựng Thủ đô thành trung tâm thương mại lớn theo hướng văn minh, hiện đại là định hướng phát triển, cũng như là nhu cầu tất yếu của ngành thương mại Hà Nội trong những năm tới. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống thương mại của thành phố đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.Phát triển chưa xứng tầmTheo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, giai đoạn 2006-2010, giá trị tăng thêm của ngành thương mại Hà Nội tăng bình quân 12,08%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tăng bình quân 25,42%/năm. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, khoảng từ 85 đến 90% tổng mức lưu chuyển bán lẻ. Mức tăng trưởng trên cho thấy, các hoạt động thương mại trên địa bàn đã có phát triển, bảo đảm lưu thông hàng hóa, đáp ứng hoạt động sản xuất và tiêu dùng của cả xã hội. Ngành thương mại thành phố đã xây dựng một số loại hình thương mại hiện đại như: hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối... Tuy nhiên, sự phát triển của ngành...
Xây dựng Thủ đô thành trung tâm thương mại lớn theo hướng văn minh, hiện đại là định hướng phát triển, cũng như là nhu cầu tất yếu của ngành thương mại Hà Nội trong những năm tới. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống thương mại của thành phố đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Phát triển chưa xứng tầm
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, giai đoạn 2006-2010, giá trị tăng thêm của ngành thương mại Hà Nội tăng bình quân 12,08%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tăng bình quân 25,42%/năm. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, khoảng từ 85 đến 90% tổng mức lưu chuyển bán lẻ. Mức tăng trưởng trên cho thấy, các hoạt động thương mại trên địa bàn đã có phát triển, bảo đảm lưu thông hàng hóa, đáp ứng hoạt động sản xuất và tiêu dùng của cả xã hội. Ngành thương mại thành phố đã xây dựng một số loại hình thương mại hiện đại như: hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… Tuy nhiên, sự phát triển của ngành thương mại nói chung và hệ thống thương mại hiện đại nói riêng của Hà Nội những năm qua chưa tương xứng với những ưu thế về cơ sở vật chất, vị trí địa lý, trình độ nguồn nhân lực… của Thủ đô.
Tính đến tháng 12-2011, Hà Nội có 20 trung tâm thương mại (chiếm 15% số trung tâm thương mại của cả nước), 110 siêu thị (chiếm 19% số siêu thị của cả nước), chủ yếu tập trung tại các quận nội thành, có quy mô vừa và nhỏ. Diện tích đất trung tâm thương mại tính trên đầu người chỉ có 0,077 m2/người, siêu thị là 0,019 m2/người. Đây là mức thấp so với yêu cầu phát triển thương mại hiện đại của một đô thị lớn. Các hoạt động của trung tâm thương mại đơn điệu, chủ yếu là bán lẻ. Thành phố chưa có trung tâm thương mại quốc tế và vùng, trung tâm thương mại bán buôn và trung tâm logistics lớn. Doanh nghiệp thương mại gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm kinh doanh, trình độ quản lý, chất lượng dịch vụ còn thấp, trong khi chi phí lại cao.
Mạng lưới siêu thị phân bố không đều, hiện tại chỉ có 15/29 quận, huyện, thị xã có siêu thị. Số lượng siêu thị chuyên doanh ít, mới chỉ có ở ngành điện máy, dệt may…, diện tích nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh. Hàng hóa tại các siêu thị tuy đã được bổ sung phong phú hơn trước, nhưng tỷ trọng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả… còn thấp. Lượng hàng hóa lưu thông qua kênh siêu thị chỉ chiếm khoảng 10% doanh số bán lẻ của toàn ngành. Phần lớn siêu thị có diện tích nhỏ, bãi đỗ xe chật hẹp, trang thiết bị kém hiện đại… Dịch vụ logistics (nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục giấy tờ, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì…) vẫn chưa định hình rõ ràng và hoạt động bền vững.
Về doanh nghiệp thương mại của thành phố, bên cạnh một vài đơn vị lớn như: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty cổ phần Nhất Nam, Công ty TNHH một thành viên Lan Chi…, các doanh nghiệp còn lại chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ sản xuất và kinh doanh hạn chế, khả năng cạnh tranh trên thương trường yếu. Trong khi đó, với tiềm lực kinh tế mạnh, trình độ quản lý và kinh nghiệm kinh doanh tốt, các tập đoàn thương mại nước ngoài phát triển ngày càng mạnh mẽ tại thị trường Thủ đô. Chỉ sau mười năm thâm nhập vào thị trường Hà Nội, các đơn vị như : Công ty Metro Cash & Cary với hai siêu thị bán buôn tại huyện Từ Liêm và quận Hoàng Mai, tập đoàn Casino (Pháp) với hệ thống siêu thị Big C… đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Thủ đô. Ngoài ra, các doanh nghiệp thương mại của Hà Nội cũng đang “yếu thế” trước sự mở rộng hệ thống của các doanh nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op) với siêu thị Co.opMart tại quận Hà Đông, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đông Hưng với chuỗi siêu thị Citimart…
Định hướng và giải pháp phát triển
UBND thành phố Hà Nội vừa thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu là tạo ra sự đột phá trong phát triển thương mại, trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực thương mại… Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ xây thêm 946 siêu thị, 35 trung tâm thương mại, 45 trung tâm mua sắm… Bên cạnh đó, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn (có diện tích từ 10 nghìn m2 trở lên) thành các chợ trung tâm, có quy mô chợ hạng 1, từ đó hình thành nên các khu thương mại. Đồng thời, từng bước chuyển hóa các chợ dân sinh loại nhỏ (có diện tích dưới hai nghìn m2) thành các siêu thị hạng 3, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi…
Tại khu vực nội thành cũ sẽ đầu tư nâng cấp các siêu thị hiện có, đồng thời xây dựng mới một số siêu thị với quy mô hạng 3. Tại khu vực các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, thành phố sẽ xây dựng mới các siêu thị hạng 2 tại các khu vực chợ cũ có quy mô hơn năm nghìn m2, hoặc ở khu vực di dời các cơ quan hành chính, và các khu chung cư được cải tạo… Tại các khu đô thị mới ở các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân, huyện Từ Liêm… xây dựng các đại siêu thị và siêu thị hạng 2 ở những vị trí giao thông thuận lợi. Cùng với đó, thành phố sẽ đầu tư các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc tế gắn với các loại hình dịch vụ hỗ trợ, phục vụ cho du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng tại các đô thị vệ tinh. Các loại hình thương mại truyền thống tồn tại song song với các hình thức thương mại hiện đại, nhưng sẽ dần thu hẹp tỷ trọng và được tổ chức phát triển theo những định hướng đã xác định.
Để có thể xây dựng được hệ thống thương mại hiện đại xứng tầm, bên cạnh việc lập quy hoạch phù hợp, khả thi và các chính sách hỗ trợ về tài chính, chính sách thuế, các giải pháp thu hút vốn đầu tư… của nhà nước thì yếu tố quyết định chính là sự thay đổi, phát triển của mỗi doanh nghiệp thương mại. Các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, áp dụng kỹ thuật quản lý kinh doanh hiện đại như quản lý bằng máy tính, áp dụng hệ thống quản lý điểm bán hàng, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin…; phát triển các phương thức lưu thông hiện đại như: phát triển theo dạng chuỗi, nhượng quyền kinh doanh, đại lý, vận tải liên, vận tải đa phương thức, thương mại điện tử… Để hạn chế tình trạng nhỏ lẻ, phân tán, các doanh nghiệp cần thúc đẩy liên kết để hình thành tập đoàn, công ty thương mại quy mô lớn và hiện đại.
Ngoài ra, địa điểm mặt bằng đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh. Do đó, trong quy hoạch xây dựng cần lựa chọn được các địa điểm thuận lợi về giao thông, diện tích đất đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh của từng loại hình, gần khu dân cư… Đồng thời, hỗ trợ các nhà đầu tư, ưu tiên các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các địa điểm mặt bằng đã được quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Thành phố cần quan tâm hơn đến việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành thương mại, nhất là trong ngành quản lý kinh doanh. Bên cạnh đó, thành phố cần chủ động liên kết với các tỉnh trong vùng, giữ vai trò tổ chức và điều phối quá trình liên kết để xây dựng các hệ thống thị trường hàng hóa, phát triển các hệ thống phân phối hiện đại vùng Thủ đô, cũng như trong cả nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()