Hà Nội phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế khu vực phía bắc
Ngày 25-12, đoàn công tác của Ban Kinh tế T.Ư do đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư làm trưởng đoàn đã làm việc với Thành ủy Hà Nội, đánh giá kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 15; tình hình thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Dự buổi làm việc, có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ngày 25-12, đoàn công tác của Ban Kinh tế T.Ư do đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư làm trưởng đoàn đã làm việc với Thành ủy Hà Nội, đánh giá kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 15; tình hình thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Dự buổi làm việc, có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Từ năm 2011 đến nay, kinh tế – xã hội của Thủ đô đạt kết quả khá toàn diện. Kinh tế duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng khá, bình quân mỗi năm GDP của thành phố tăng 8,91%, gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước; lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường. Nông nghiệp và hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư phát triển. Bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới. Cải cách hành chính có chuyển biến rõ rệt, kỷ cương hành chính được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững. Năm 2013, Hà Nội đã đóng góp 10,1% GDP, 7,5% kim ngạch xuất khẩu, 17,2% thu ngân sách và 21,64% tổng vốn đầu tư của cả nước. Ba năm qua, thành phố tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư, đáp ứng nhu cầu vốn cho các công trình trọng điểm. Thành phố thực hiện đề án tái cơ cấu năm tổng công ty nhà nước, chín công ty TNHH MTV; sắp xếp 30 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, cổ phần hóa 16 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp… Tuy nhiên, sức lan tỏa của thành phố với vai trò là trung tâm kinh tế lớn đối với khu vực phía bắc còn yếu, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Lĩnh vực văn hóa, xã hội bộc lộ nhiều yếu kém…
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Vương Ðình Huệ ghi nhận và đánh giá cao những chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội của Hà Nội sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Ðồng chí nhấn mạnh, thời gian tới, TP Hà Nội cần bám sát mục tiêu, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 11, ngoài việc triển khai chín chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ 2011-2015, thành phố cần chủ động, mạnh dạn, tích cực, sáng tạo hơn trong việc xây dựng các chương trình, đề án cụ thể hóa Nghị quyết số 11, phấn đấu về đích sớm một đến hai năm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thành phố cần thể hiện rõ hơn vai trò đầu tàu kinh tế, tạo sức lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Muốn vậy, thành phố cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Thành phố cần xác định rõ trọng tâm phát triển kinh tế, xây dựng các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm du lịch đặc trưng của Thủ đô, khắc phục tốt hơn những vấn đề kinh tế-xã hội phức tạp đang đặt ra như ô nhiễm môi trường, văn hóa giao thông, đô thị. Cần chủ động hơn trong phối hợp các bộ, ngành, tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch, liên kết Vùng Thủ đô. Nâng cao năng lực hiệu quả tham mưu về kinh tế-xã hội, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước như yêu cầu Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư đặt ra.
Tiếp thu ý kiến của đoàn công tác, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị Ban Kinh tế T.Ư, các bộ, ngành T.Ư quan tâm, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế-xã hội Thủ đô.
* Ngày 25-12, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 (khóa XI). Ðồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, việc nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất sâu sắc, bởi đây là những nội dung hết sức quan trọng đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Ðồng chí yêu cầu, đối với Kết luận về “Tình hình kinh tế- xã hội năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014” và “Ðánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI về kinh tế – xã hội, trọng tâm là ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng”, hội nghị cần tập trung đánh giá khách quan bối cảnh tình hình Thủ đô và đất nước, những thành tựu nổi bật, những mặt còn hạn chế và nguyên nhân chủ quan; nhận biết rõ những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức để xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Ðối chiếu những mục tiêu trong Nghị quyết “Ðổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” với vai trò, vị trí Thủ đô để xem cần thực hiện những mục tiêu chủ yếu nào, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, đào tạo Thủ đô. Nêu cụ thể những bước đi của từng cấp, từng ngành. Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Thủ đô và đất nước, đòi hỏi có sự hiểu biết sâu sắc để từ đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của thành phố và từng đơn vị… Cán bộ chủ chốt các cấp nêu cao vai trò gương mẫu, trách nhiệm, nghiêm túc trong học tập và tổ chức thực hiện Nghị quyết, Kết luận của T.Ư; bám sát tình hình địa phương để khẩn trương xây dựng chương trình hành động thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; gắn kết chặt chẽ việc học tập, thực hiện Nghị quyết với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua.
Theo Nhandan
Ý kiến ()