Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 cơ bản khắc phục tình trạng úng ngập trong nội thành
Cho đến thời điểm này, chưa có khu vực nào trên địa bàn Hà Nội có hệ thống thoát nước đô thị hoàn chỉnh. Tình trạng úng ngập cục bộ, ô nhiễm nước thải vẫn là những vấn đề bức xúc tại nhiều khu dân cư ở Thủ đô... Để khắc phục tình trạng trên, thành phố đang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, nhằm từng bước khắc phục tình trạng úng ngập, ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thành, nâng cao sức khỏe và đời sống nhân dân Thủ đô.Thoát nước đô thị - khu vực nào cũng thiếuSau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hà Nội có địa hình tự nhiên tương đối phức tạp và đa dạng, chia thành nhiều lưu vực thoát nước khác nhau. Có thể tạm chia khu vực nội thành và các vùng lân cận thành bốn khu vực theo lưu vực thoát nước.Trước hết là khu vực quận Long Biên, thuộc lưu vực sông Cầu Bây, có địa hình trũng, thoát nước theo phương thức tự chảy với nguồn tiêu thoát nước chính là sông Cầu Bây nối với...
Thoát nước đô thị – khu vực nào cũng thiếu
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hà Nội có địa hình tự nhiên tương đối phức tạp và đa dạng, chia thành nhiều lưu vực thoát nước khác nhau. Có thể tạm chia khu vực nội thành và các vùng lân cận thành bốn khu vực theo lưu vực thoát nước.
Trước hết là khu vực quận Long Biên, thuộc lưu vực sông Cầu Bây, có địa hình trũng, thoát nước theo phương thức tự chảy với nguồn tiêu thoát nước chính là sông Cầu Bây nối với hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Hệ thống thoát nước khu vực này chưa có dự án đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, chủ yếu là các mương tiêu nông nghiệp, trong khi nguồn tiêu là sông Cầu Bây và hệ thống Bắc Hưng Hải thường có mực nước khá cao để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, khi mưa to, khả năng thoát nước kém, thường xuyên xảy ra úng ngập tại các phố Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, Phúc Đồng…
Khu vực tả ngạn sông Nhuệ hiện là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao nhất ở Hà Nội, bao gồm địa bàn phía tây và tây nam thành phố như các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, các xã Mễ Trì, Mỹ Đình (huyện Từ Liêm), nơi tập trung nhiều công trình quan trọng như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Sân vận động quốc gia, các khu đô thị lớn…, nhưng lại là khu vực thoát nước khó khăn nhất. Tại các khu đô thị mới, hệ thống thoát nước đã được xây dựng theo quy hoạch, tuy nhiên khả năng kết nối hệ thống này với nguồn tiêu nước lại rất kém, vì các mương dẫn nước chính tại khu vực này là mương tiêu nông nghiệp, hiện đang bị bồi lắng, dòng chảy bị thu hẹp. Các trạm bơm như trạm Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Xuân Đỉnh có công suất nhỏ, thời gian sử dụng đã lâu, đều đã xuống cấp. Nguồn tiêu thoát nước của khu vực này là sông Nhuệ, nhưng nước sông thường lên cao vào mùa mưa. Trong trận mưa kỷ lục năm 2008, nước sông Nhuệ lên cao, ngập các trạm bơm, khiến trạm bơm cắt điện, ngừng vận hành, nước mưa không có đường thoát, khiến khu vực này ngập úng khá lâu.
Khu vực quận Hà Đông là nơi có tốc độ đô thị hóa cao so với các đô thị thuộc Hà Tây (cũ), nhưng hệ thống thoát nước lại phát triển chưa tương xứng, vì vậy mỗi khi có mưa to là xảy ra úng ngập. Theo Công ty Thoát nước, vấn đề thoát nước mặt của Hà Đông đang gặp khó khăn, do địa hình tự nhiên tương đối trũng; mực nước sông Nhuệ cao vào mùa mưa; hệ thống thoát nước manh mún, phân tán, ao hồ bị san lấp, các mương tiêu thoát để hoang hóa hoặc bị lấn chiếm, bồi lắng thu hẹp dòng chảy trong khi nguồn tiêu chính là các trạm bơm lại có công suất nhỏ và xuống cấp.
Khu vực nội thành cũ thuộc lưu vực sông Tô Lịch, so với các khu vực khác trên địa bàn thành phố, là khu vực có khả năng tiêu thoát nước tốt hơn, vì vừa được đầu tư xây dựng Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 và một số dự án thoát nước khác theo quy hoạch. Từ năm 2006 đến nay, thành phố tiếp tục triển khai dự án thoát nước giai đoạn 2. Cho đến nay, một số hạng mục như nâng cấp trạm bơm Yên Sở lên 90m3/giây, cải tạo các hồ Bẩy Mẫu, Hố Mẻ, Hào Nam, Đống Đa đã hoàn thành và đưa vào phục vụ công tác thoát nước mùa mưa. Tuy nhiên, do hệ thống mương chưa được cải tạo đồng bộ, nhiều công trình hạ tầng như cống hóa các mương Hào Nam-Yên Lãng, Liễu Giai-Ngọc Hà, Chẹm-Xã Đàn, Nguyễn Phong Sắc… đang thi công, ảnh hưởng công tác thoát nước, khiến cho hiệu quả của hệ thống thoát nước mới chưa cao, mới chỉ có thể giải quyết những trận mưa vừa và mưa nhỏ, lượng mưa dưới 50 mm/giờ. Còn khi xảy ra mưa to và rất to, với lượng mưa từ 50 mm đến 100 mm/giờ, vẫn xuất hiện 21 điểm úng ngập cục bộ.
Năm 2015 hết úng ngập trong nội thành
Chương trình công tác số 07-CTr/TU về tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” của Thành ủy Hà Nội nêu rõ, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thoát nước đi kèm xử lý nước thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng và quản lý đô thị trong giai đoạn tới. Mục tiêu của thành phố là phấn đấu đến năm 2015, khắc phục cơ bản tình trạng úng ngập trong đô thị trung tâm; giảm thời gian, mức độ úng ngập tại các quận mới như quận Hà Đông, quận Long Biên, thị xã Sơn Tây, các khu đô thị mới phía tây thành phố. Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, cải tạo hồ nội thành phục vụ mục đích điều hòa nước mưa, tạo cảnh quan, cải thiện môi trường nước.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, thành phố tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước. Cụ thể, cuối năm 2014 sẽ hoàn thành Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 2, bảo đảm khắc phục tình trạng úng ngập khu vực các quận nội thành, khi có mưa cường độ 310mm/2ngày. Tập trung thực hiện các dự án, công trình chủ yếu như sau: Cải tạo 20 hồ điều hòa trong nội thành, bàn giao đưa vào vận hành các thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước hiện đại, hiệu quả, thay thế 80% công việc nạo vét bằng thủ công; cải tạo khoảng 26 km kênh, mương; xây dựng khoảng 25 km cống thoát nước; 11 cầu qua sông và 20 km đường dọc bờ sông…
Tại lưu vực sông Nhuệ, xây dựng và cải tạo ba trạm bơm thoát nước gồm: Cổ Nhuế, Đồng Bông 1 và Đồng Bông 2. Triển khai dự án xây dựng các công trình đầu mối thoát nước mưa gồm trạm bơm, hồ điều hòa và hệ thống kênh dẫn, kênh xả, các trục mương, cống chính dẫn về hồ điều hòa và trạm bơm tại các tiểu lưu vực: Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì, Ba Xã.
Tại khu vực quận Hà Đông, sẽ triển khai xây dựng 17 km trên tám tuyến mương. Tại khu vực quận Long Biên và huyện Gia Lâm, thành phố sẽ xây dựng các công trình thoát nước cấp I cho các lưu vực thoát nước gồm: Tuyến mương Thượng Thanh – Ô Cách – quốc lộ 5; tuyến mương Việt Hưng – Cầu Bây, cụm hồ điều hòa và trạm bơm Cự Khối; mương Thượng Thanh, hồ điều hòa và trạm bơm Gia Thượng; tuyến mương Gia Thụy – Cầu Bây.
Ngoài việc đầu tư cải tạo các công trình tiêu, thoát nước, thành phố chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải. Trong năm nay, thành phố tiếp nhận, bàn giao và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200 nghìn m3/ngày đêm. Phấn đấu hoàn thành xây dựng Trạm xử lý nước thải Đầm Bẩy (Hồ Tây) và trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu trong năm 2014. Triển khai giai đoạn I dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải Hà Đông và Sơn Tây, hoàn thành vào năm 2015. Ngoài ra, khởi công xây dựng các nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Phú Đô, Tây Hồ Tây, đầu tư xây dựng 13 khu vực tập kết bùn, phế thải…
Đồng thời, các cơ quan chuyên ngành bảo đảm thường xuyên cải tạo, nâng cấp, nạo vét, duy trì bảo dưỡng sửa chữa hệ thống công trình thoát nước; vận hành các cửa đập điều tiết, các trạm bơm cố định, di động, duy trì mực nước trên toàn hệ thống theo quy định, bảo đảm thoát nước hiệu quả.
Bên cạnh những giải pháp kỹ thuật nêu trên, thành phố cần có thêm một số giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của cả cộng đồng và toàn xã hội trong công tác quản lý diện tích mặt nước phục vụ việc tiêu thoát, cũng như giảm diện tích bê-tông hóa mặt đất, quy định chặt chẽ cao độ cốt nền trong xây dựng, tách hệ thống nước thải sinh hoạt và nước thải tự nhiên… Có như vậy mới bảo đảm khắc phục tình trạng úng ngập cục bộ, ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thành, nâng cao sức khỏe và đời sống nhân dân Thủ đô.
Theo Nhandan
Ý kiến ()