Hà Nội: Nồng độ bụi trong không khí đang tăng lên đến mức báo động
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng dẫn đầu với UBND TP Hà Nội ngày 17/5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng dẫn đầu với UBND TP Hà Nội ngày 17/5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đang tập trung giải quyết 3 vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất. Đó là ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, ô nhiễm môi trường nước mặt của các sông, hồ và ô nhiễm môi trường không khí do bụi và khí thải của phương tiện giao thông.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Minh Châu) |
Theo báo cáo của UBND thành phố, trong khi nồng độ bụi trong không khí xung quanh đang tăng lên đến mức báo động thì nồng độ khí SO2 có xu hướng giảm dần theo các năm. Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm NO2. Tại các điểm quan trắc nền nằm trong khu dân cư thì kết quả cho thấy giá trị trung bình năm của thông số bụi dao động xung quanh mức quy chuẩn cho phép. Nồng độ NO2 và tiếng ồn cao nhất xảy ra tại các vị trí quan trắc gần trục giao thông và thấp nhất trong khu dân cư xa đường giao thông.
Hai con sông thoát nước thải chính của nội thành là sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt và công nghiệp không qua xử lý xả trực tiếp. Đến thời điểm hiện nay, môi trường đất đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các oxit kim loại nặng có mặt trong các nguồn nước thải công nghiệp bị ô nhiễm.
Tổng số lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn thành phố tại thời điểm tháng 3/2013 trung bình khoảng 5.500 đến 6.500 tấn/ngày. Rác thải đô thị tại 10 quận nội thành hầu hết đã được vận chuyển và xử lý tại các bãi chôn lấp. Hiện thành phố đang thực hiện đề án thu gom rác thải trên địa bàn khu vực nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, năm 2012 thành phố đã triển khai 16 đoàn thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường ở 181 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng. Ngoài xử lý vi phạm hành chính, UBND thành phố đã yêu cầu các cơ sở chấm dứt ngay hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp khắc phục.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, chi thường xuyên cho môi trường bao giờ cũng được triển khai đúng quy định, cân đối ngân sách hợp lý. Thành phố đã dành 1.500 tỷ đồng cho công tác này gắn với xã hội hoá, huy động đầu tư trong và ngoài nước; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào bảo vệ môi trường, làm tốt việc xử lý chất thải rắn, không bị tồn đọng, xây dựng các nhà đốt rác sử dụng công nghệ tiên tiến trong nước và thế giới; tăng cường thanh tra, kiểm tra vi phạm môi trường ở các làng nghề nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá, Hà Nội đã thể hiện sự quyết tâm trong việc đầu tư và triển khai các dự án, đề án, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để bảo vệ môi trường.
Ông Phan Xuân Dũng lưu ý Hà Nội cần sớm khắc phục việc một số khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn khá phổ biến, một số cơ sở vẫn xả thải vượt quy chuẩn cho phép. Đồng thời, thành phố cần tăng cường quản lý việc lấn chiếm các ao hồ, chấn chỉnh vi phạm quy định về chôn lấp rác thải sinh hoạt, ô nhiễm ở các làng nghề.
Theo CPV
Ý kiến ()