Hà Nội nỗ lực xóa bỏ mặc định là nơi du khách ''dừng chân ghé thăm''
Hà Nội sẽ đẩy mạnh du lịch Mice (du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm), đồng thời phát triển các cụm du lịch trọng điểm Sơn Tây-Ba Vì, Hương Sơn-Quan Sơn, Vân Trì-Cổ Loa để giữ chân du khách.
Hiện tại, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, du lịch Hà Nội đang chuẩn bị các điều kiện để thu hút khách trở lại.
Tuy nhiên, đó là hướng đi trước mắt, về lâu dài, du lịch Hà Nội tiếp tục cải thiện hình ảnh của mình, để xóa bỏ “mặc định” là nơi khách dừng chân ghé thăm, nơi trung chuyển khách cho các tỉnh phía Bắc như trong quan niệm bấy lâu nay của nhiều người.
Hà Nội hướng đến việc thực sự trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách ở lại nhiều ngày và có kích thích khả năng chi tiêu của du khách.
Tạo điểm nhấn bằng các sự kiện văn hóa, du lịch
Từ lâu, Hà Nội xác định thế mạnh của du lịch Thủ đô là du lịch văn hóa, song, việc khai thác loại hình du lịch này mới chỉ dừng ở hình thức trải nghiệm các điểm đến.
Các hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, quảng bá lợi thế du lịch này theo hình thức tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch nhằm thu hút khách du lịch chưa có nhiều.
Trước kia, Hà Nội từng có Lễ hội hoa đường phố, Lễ hội du lịch làng nghề Hà Nội, Ký ức Hà Nội, Lễ hội áo dài Hà Nội… nhưng nhiều năm nay chưa tổ chức lại.
Gần đây, một số sự kiện văn hóa do Hà Nội tổ chức đã tạo ấn tượng với người dân như: Lễ hội hoa Anh đào, Lễ hội văn hóa dân gian đương đại…, song, các sự kiện này mới dừng ở một quy mô nhất định.
Hơn nữa, Lễ hội hoa Anh đào cũng được tổ chức ở nhiều địa phương khác nên lễ hội này của Hà Nội chưa tạo được dấu ấn riêng.
Thực tế cho thấy các sự kiện văn hóa, du lịch là một trong những yếu tố quan trọng kích thích khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Địa phương nào tổ chức được hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc, nơi đó sẽ hấp dẫn du khách tốt hơn.
Có thể ví dụ như Lễ hội hoa Tam giác mạch ở Hà Giang, Lễ hội dù lượn “Bay trên mùa vàng” ở Yên Bái, Lễ hội pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng, Festival Huế… đã được tổ chức thành sự kiện văn hóa, du lịch thường niên, được du khách đón đợi.
Mỗi khi các sự kiện được tổ chức, lượng khách tham quan có mức tăng trưởng đột biến. Hình ảnh điểm đến cũng từ đó được nâng lên, tạo cơ hội để thu hút lượng khách quanh năm.
Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, đề xuất mỗi tháng, thành phố Hà Nội cần tổ chức sự kiện. Hà Nội phải trở thành nơi gặp gỡ của các tỉnh, thành trong cả nước, mời gọi du khách về Hà Nội.
Gần đây, ngành Du lịch Hà Nội đã nỗ lực xây dựng nhiều sự kiện lớn để tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, ngành Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, quảng bá, thu hút khách tới các sự kiện văn hóa, thể thao, các sự kiện có tính chất quốc tế và các hoạt động lớn trong năm như Lễ hội hoa Anh đào, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội, Lễ hội đếm ngược chào đón năm mới dương lịch….
Bên cạnh đó, ngành cũng tổ chức nhiều sự kiện du lịch lớn như Lễ hội kích cầu du lịch nội địa, Lễ hội du lịch tinh hoa Thủ đô, Lễ hội áo dài, Lễ hội du lịch làng nghề, phố nghề Hà Nội…
Năm nay, SEA Games 31 sẽ diễn ra tại Việt Nam, đây là cơ hội giới thiệu du lịch Hà Nội đến với bạn bè quốc tế. Do vậy, ngành Du lịch sẽ tổ chức nhiều sự kiện quảng bá hình ảnh.
Thành phố của hội nghị, hội thảo
Hà Nội có 77 cơ sở lưu trú từ 3-5 sao, trong đó có sự hiện diện của các thương hiệu quản lý hàng đầu thế giới. Có thể khẳng định, hệ thống cơ sở lưu trú tại Thủ đô đủ năng lực phục vụ thành công nhiều sự kiện trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, Hà Nội còn có một số trung tâm hội nghị quy mô lớn, tiêu biểu như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Trung tâm Hội nghị quốc tế, hoàn toàn đáp ứng được các sự kiện, hội thảo tầm cỡ.
Với lợi thế này, việc phát triển du lịch Mice (du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm), từ lâu đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch của Hà Nội. Nhưng thực tế, du lịch Mice chưa trở thành sản phẩm mũi nhọn của thành phố, trong đó có yếu tố thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để thúc đẩy loại hình du lịch này phát triển.
Thậm chí, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia tại Hà Nội cũ đã phá bỏ từ lâu nhưng việc xây mới tại huyện Đông Anh nhiều năm nay vẫn chưa hoàn thiện.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng, Hà Nội có nhiều điều kiện song phát triển du lịch Mice còn yếu.
Trong khi đó, các địa phương như Đà Nẵng đang cố gắng kéo khách quốc tế vào bằng loại hình du lịch Mice.
Nhận thức được tầm quan trọng của loại hình du lịch này, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) cũng đầu tư xây dựng một trung tâm du lịch Mice rộng hàng trăm hécta.
Khi tổ chức một sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc tế, không chỉ đại biểu tham dự đến Việt Nam, biết về Việt Nam, mà khi về nước, họ chính là những sứ giả sẽ lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè, người thân. Bởi vậy, ông Vũ Thế Bình đề nghị Hà Nội tập trung phát triển loại hình du lịch này.
Quan điểm trên đã nhận được sự đồng thuận của những người quan tâm đến du lịch. Chỉ riêng nhìn vào sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) được tổ chức hàng năm tại Hà Nội đã thấy sức hút của hoạt động du lịch Mice đối với hoạt động du lịch nói chung.
Không đơn thuần là giới thiệu, mua bán các tour và các dịch vụ du lịch, hay tổ chức các hội thảo liên quan du lịch, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam còn thu hút hầu hết doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước và hàng chục quốc gia cùng tham dự.
Bên cạnh đó, các hội nghị, hội thảo quốc tế về đối ngoại, đầu tư, y tế, giáo dục… diễn ra thời gian qua tại Hà Nội cũng thu hút đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nhiều đối tác nước ngoài.
Trước thực tế này, trong hướng phát triển sản phẩm du lịch của Hà Nội thời gian tới, thành phố hướng đến phát triển du lịch Mice.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiến hành đầu tư, sớm hình thành một số cụm du lịch trọng điểm Sơn Tây-Ba Vì, Hương Sơn-Quan Sơn, núi Sóc-hồ Đồng Quan, Vân Trì-Cổ Loa.
Thành phố triển khai một số sản phẩm du lịch công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy, tổ hợp vui chơi giải trí đa năng-trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn, tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ tại quận Tây Hồ.
Dù thời gian hoàn thiện còn dài nhưng nếu hoàn thành, du lịch Hà Nội sẽ có thêm những lợi thế mới để thu hút, giữ chân khách du lịch, hạn chế tình trạng khách chỉ dừng chân ghé thăm trong hành trình tham quan các điểm đến phía Bắc của họ.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết thêm Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo và có nhiều giải pháp để nâng cao hình ảnh, cung cách phục vụ để thu hút du khách đến Hà Nội nhiều hơn./.
Ý kiến ()