Hà Nội nỗ lực hoàn thành cấp sổ đỏ đúng thời hạn
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên địa bàn Hà Nội đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Hơn 90% số thửa đất sau dồn điền đổi thửa, đất ở, đất của các cơ quan, doanh nghiệp… đã được cấp sổ đỏ. Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, đến hết tháng 6-2017 hoàn thành toàn bộ việc cấp sổ đỏ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Ðiều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn, để giải quyết các trường hợp khó, còn tồn đọng.
Cơ bản hoàn thành cấp sổ đỏ sau dồn điền đổi thửa
Sau khi tiến hành dồn điền đổi thửa (DÐÐT), kết hợp cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng, sản xuất của người dân ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do đất nông nghiệp không được cấp sổ đỏ, khiến người dân không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Ðây là vấn đề thường xuyên được cử tri đặt ra trong các cuộc tiếp xúc đại biểu HÐND các cấp. Ðể gỡ khó cho hộ dân, giữa năm 2016, Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương phải hoàn thành cấp sổ đỏ đất nông nghiệp sau DÐÐT ngay trong năm. Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện, cử cán bộ hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, thống nhất sử dụng phương án giao ruộng để cấp sổ đỏ và thành lập sáu tổ công tác trực tiếp xuống giúp 18 huyện, thị xã giải quyết các trường hợp khó khăn, vướng mắc. Tại các địa phương, chính quyền, tiểu ban DÐÐT, các thôn, xóm đều nỗ lực triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) Lê Hồng Văn chia sẻ, để hoàn thành việc cấp đổi 1.400 sổ đỏ là công việc rất khó khăn. Xã đã lập tổ công tác gồm 23 thành viên, trực tiếp làm việc tại trụ sở UBND và hơn 60 thành viên tại các thôn. Từng thành viên ở thôn được giao khoán khối lượng công việc, trung bình hơn 20 hồ sơ/người, với tiến độ thực hiện cụ thể. Vì thế, chỉ trong hai tháng năm 2016, từ tháng 9 đến tháng 11, xã đã khớp xong số liệu, thẩm định và chuyển lên huyện ký duyệt. Ðến cuối năm 2016, cơ bản hoàn thành cấp sổ đỏ đất nông nghiệp, trao cho người dân. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến ngày 10-3, các huyện, thị xã đã cấp hơn 606 nghìn sổ đỏ đất nông nghiệp sau DÐÐT, trên tổng số hơn 627 nghìn thửa đất, đạt gần 97%. Trong đó, nhiều địa phương như các huyện Thanh Trì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Mê Linh… đã hoàn thành từ cuối năm 2016.
Cùng với cấp sổ đỏ đất nông nghiệp sau DÐÐT, các địa phương tập trung cấp sổ đỏ đất ở khu dân cư, căn hộ chung cư cho người dân và đất của các tổ chức sử dụng, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6 năm nay. Ðến nay, thành phố đã cấp được hơn 1 triệu 320 nghìn sổ đỏ đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư, trong tổng số hơn 1 triệu 570 nghìn thửa đất, đạt hơn 90%, còn lại hơn 250 nghìn trường hợp. Cấp sổ đỏ cho gần 147 nghìn căn hộ, trong tổng số gần 180 nghìn căn hộ chủ đầu tư đã bán và bàn giao cho người mua nhà, đạt hơn 82%, còn lại hơn 31 nghìn trường hợp. Ðối với các tổ chức sử dụng đất, tỷ lệ cấp sổ đỏ đạt hơn 71%, với gần 14 nghìn trường hợp, còn lại hơn 5.500 trường hợp.
Vướng mắc hiện đang tập trung ở nhóm hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư, nhất là đối với những trường hợp đang sử dụng đất do các đơn vị tự quản. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều khu đất do các đơn vị tự quản, nhưng các đơn vị không chủ động bàn giao nhà đất cho địa phương quản lý. Một số đơn vị sau nhiều lần sáp nhập, thay đổi tên gọi hoặc tiến hành cổ phần hóa, không còn đầu mối quản lý… dẫn đến chính quyền địa phương gặp khó khăn khi xác định nghĩa vụ tài chính, cấp sổ đỏ cho người dân, thậm chí nhiều trường hợp bị người dân khiếu kiện “oan”.
Nỗ lực về đích đúng hạn
Mục tiêu đến hết tháng 6-2017 hoàn thành công tác cấp sổ đỏ là một thử thách. Bởi những trường hợp còn tồn đọng là do thiếu giấy tờ, tranh chấp, hoặc do chính người dân không có nhu cầu cấp sổ. Trong số hơn 250 nghìn thửa đất chưa được cấp sổ đỏ, chỉ có gần 56 nghìn trường hợp đủ điều kiện. Tuy nhiên, trong số này mới chỉ có hơn 550 trường hợp đã kê khai, còn lại người dân không “mặn mà” làm sổ đỏ, do không có nhu cầu giao dịch đất đai, hoặc lo ngại phải đóng nhiều tiền sử dụng đất. Một khó khăn lớn khác liên quan hạn mức đất ở, khi trên địa bàn hiện có nhiều trường hợp sử dụng đất ổn định, nguồn gốc đất do cha ông để lại, không có tranh chấp, nhưng diện tích đất lớn, vượt hạn mức. Nếu cấp sổ đỏ sẽ phải đóng tiền sử dụng đất lớn. Vì thế, nhiều trường hợp chính quyền đã công nhận quyền sử dụng đất, nhưng người dân không thực hiện nghĩa vụ tài chính để nhận sổ đỏ.
Kết quả giám sát việc cấp sổ đỏ tại gần mười quận, huyện ở Hà Nội vừa qua cho thấy, tỷ lệ cấp sổ đỏ tại nhiều địa phương còn thấp, như huyện Chương Mỹ đạt 73%, quận Bắc Từ Liêm 75%, quận Hai Bà Trưng 80%, quận Hoàng Mai 82%… Việc phân loại các khó khăn, vướng mắc đối với hơn 196 nghìn trường hợp tồn đọng chưa rõ ràng, thống nhất. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013, việc kê khai, đăng ký là quy định bắt buộc đối với các đối tượng sử dụng đất. Theo Quyết định số 37 của UBND thành phố Hà Nội, tất cả 13 dạng đất, với 27 tình huống cụ thể, bao gồm đất lấn chiếm, đất sai quy hoạch, đất sử dụng sai mục đích, đất được giao không đúng thẩm quyền, nhà đất của các đơn vị tự quản đã thanh lý… đều có những phương án tháo gỡ cụ thể để cấp sổ đỏ. Trong đó, chỉ có đất không phù hợp quy hoạch là không đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Ðể có thể hoàn thành kê khai, đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ, các tổ công tác do giám đốc và phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng sẽ tiếp tục giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Sở thực hiện công khai các thủ tục hành chính, cung cấp đầy đủ các mẫu đơn trên hệ thống mạng thông tin điện tử, giảm thời gian cấp sổ đỏ từ 30 ngày xuống còn 14 ngày, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong việc cấp sổ đỏ đối với các tổ chức… Những trường hợp người dân không đến nhận sổ đỏ, các đơn vị cần chỉ rõ loại giấy tờ để người dân bổ sung, hoàn thiện, trong đó chú ý đơn giản thủ tục hành chính cho người dân.
Cấp sổ đỏ là thước đo đánh giá công tác quản lý đất đai. Tỷ lệ cấp sổ đỏ càng cao, chứng tỏ công tác quản lý đất đai càng chặt chẽ và ngược lại. Dù còn nhiều khó khăn, song lãnh đạo các địa phương đều khẳng định, đến hết tháng 6 năm nay quyết tâm cơ bản hoàn thành công tác cấp sổ đỏ. Ðể hỗ trợ các địa phương đạt mục tiêu này, thành phố cần sớm xem xét, sửa đổi quy định về hạn mức đất ở, nghĩa vụ tài chính giữa các thời điểm trước và sau năm 1980, 1993, 2003; phân cấp cho huyện, thị xã cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, trích đo, trích lục bản đồ địa chính; tiếp tục thực hiện dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và dữ liệu quản lý đất đai của thành phố. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thông báo yêu cầu kê khai đăng ký đất đai đến từng hộ gia đình; rà soát các dự án, điều chỉnh các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhiều năm nhưng chưa thực hiện, không có khả năng giải phóng mặt bằng để cấp sổ đỏ cho người dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()