Hà Nội: Nhiều hoạt động kỉ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
Chiều 21/11, tại Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức họp báo thông báo nội dung kỉ niệm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11/2016).
Sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động là Triển lãm “Linh vật Việt” do Bảo tàng Hà Nội, Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hoá và Thể thao, Nhóm Đình làng Việt phối hợp tổ chức. Triển lãm sẽ trưng bày 200 hình ảnh linh vật sưu tầm được lựa chọn gồm: Rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, hạc… góp phần nhận diện những giá trị mĩ thuật, giá trị văn hoá, giá trị biểu tượng của Linh vật và đưa Linh vật Việt xích lại gần hơn với công chúng, góp phần giữ gìn truyền thống văn hoá dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.
Lễ kỉ niệm ngày Di sản Văn hoá Việt Nam bao gồm trình diễn văn hoá phi vật thể do các nghệ nhân dân gian Hà Nội biểu diễn như: Múa bài Bông, Hát nói dở, Hát trích đoạn Chầu văn giá Ông Hoàng Mười và Cô đôi thượng ngàn…Cùng với đó, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội sẽ công bố kết quả thực hiện Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội qua bộ phim tài liệu “Giữ gìn di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội”; công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia; trao chứng nhận Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia cho đại diện các địa phương.
Tọa đàm “Nghệ thuật Việt nhìn từ linh vật” có sự tham gia của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế, PGS.TS Đinh Hồng Hải và đại diện Nhóm Đình làng Việt. Tọa đàm sẽ thảo luận về nhiều pho tượng thời Lý – Trần đã bị mất chỉ còn phần bệ. Các bạn trẻ có cơ hội được trò chuyện, thảo luận với các nhà nghiên cứu, những chuyên gia đầu ngành về mĩ thuật và di sản về các vấn đề quan tâm, qua đó sẽ được trải nghiệm kiến thức đã học và tăng thêm hiểu biết về lịch sử, văn hoá, mĩ thuật truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh các hoạt động của ngày Di sản, khách tham gia Bảo tàng Hà Nội còn được thưởng thức các chương trình nghệ thuật dân gian, xem trình diễn rối nước truyền thống của các nghệ nhân đến từ làng Đào Thục, Đông Anh, Hà Nội; thưởng lãm các tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, đoạt giải trong triển lãm tác phẩm điêu khắc biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, toà nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng; giao lưu và xem các nghệ nhân làng nghề điêu khắc đá, điêu khắc gỗ thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống trong khuôn viên sân vườn bảo tàng./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()