Hà Nội năng động vượt khó
59 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội ngày nay mang một gương mặt hoàn toàn mới. Tinh thần và truyền thống Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 năm xưa không ngừng được bồi đắp, tiếp thêm sinh lực trong thời kỳ đổi mới, đồng thời với phương châm chỉ đạo, điều hành "quyết liệt, năng động, sáng tạo" đã giúp thành phố vượt qua thử thách, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
59 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội ngày nay mang một gương mặt hoàn toàn mới. Tinh thần và truyền thống Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 năm xưa không ngừng được bồi đắp, tiếp thêm sinh lực trong thời kỳ đổi mới, đồng thời với phương châm chỉ đạo, điều hành “quyết liệt, năng động, sáng tạo” đã giúp thành phố vượt qua thử thách, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế
Ngay từ đầu năm, nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thành phố xác định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành năm 2013. Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, tổ chức bảy cuộc gặp gỡ với đại diện các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, để trực tiếp lắng nghe những băn khoăn, vướng mắc từ phía các đơn vị. Bảy đoàn công tác chuyên trách của thành phố thường xuyên tiếp xúc, giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, theo từng chuyên ngành, lĩnh vực riêng. Qua các cuộc tiếp xúc, nhiều vướng mắc, “rào cản” lâu nay về thủ tục hành chính, thuế, vốn vay, giải quyết hàng tồn kho, lao động, việc làm… đã được lãnh đạo thành phố tiếp thu, có các chính sách, giải pháp cụ thể để điều chỉnh, tháo gỡ. Thành phố chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thành phố triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng 80 tỷ đồng; gói hỗ trợ lãi suất sau đầu tư 100 tỷ đồng; thực hiện giảm, giãn 4.503 tỷ đồng tiền thuế, phí cho các doanh nghiệp; tiếp tục có chính sách hỗ trợ, cơ chế ưu đãi cho 57 sản phẩm của 48 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thủ đô; hỗ trợ 15 doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Thành phố đã dành 50 tỷ đồng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội giao thương với doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía bắc, khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long; gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp tại các thị trường mới ở Nam Mỹ, Nam Phi…
Những chính sách hỗ trợ trên của chính quyền thành phố kết hợp nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố chín tháng đầu năm đạt 7,88%, dự kiến tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2013 đạt từ 8,1% đến 8,2%, đạt kế hoạch đề ra. Ðáng mừng nhất là chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2012, một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như da giày và may mặc, sản xuất hóa chất, sản phẩm từ kim loại, xe có động cơ… có tốc độ tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng dệt may, điện tử – linh kiện, thủ công mỹ nghệ, da giày… của thành phố đều tăng, nhất là nhóm hàng dệt may, đến tháng 9-2013 đã đạt 895 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn chung, đạt được kết quả như vậy là sự cố gắng rất lớn. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển, bảo đảm công việc, thu nhập cho hàng triệu lao động, mà còn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố, đóng góp đáng kể cho ngân sách cả nước. Tám tháng đầu năm nay, Hà Nội đóng góp gần 80 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% cho tổng thu ngân sách cả nước, riêng khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh
Ðẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính là một trong hai khâu đột phá thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô giai đoạn 2010 – 2015 theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 15, song thời gian qua, công tác này chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ðây cũng là nguyên nhân khiến cho chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố (PCI) của Hà Nội liên tục giảm sút. Năm 2012, chỉ số PCI của Hà Nội đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố, giảm 15 bậc xếp hạng so năm 2011.
Nhận thức rõ hạn chế này, TP Hà Nội chọn năm 2013 là “Năm kỷ cương hành chính”, nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chấm dứt tình trạng quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà. Ðể đạt mục tiêu này, thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân. Tăng cường phân cấp trong quản lý đô thị và kinh tế – xã hội, theo hướng rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ trách nhiệm. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm, gắn việc thực hiện kỷ cương hành chính với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng.
Sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố đã tạo nên những chuyển biến từ cơ sở. Hầu hết các sở, ngành, quận, huyện đã rà soát các nội quy, quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc, phân công nhiệm vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; chỉ đạo, điều hành qua mạng nội bộ và cổng thông tin điện tử. Việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan còn được gắn chặt công tác cải cách hành chính. Các đơn vị đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; có bố trí cơ sở vật chất phù hợp cho việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Cán bộ, nhân viên duy trì chế độ, thời gian làm việc nghiêm túc… Một số đơn vị đã có cách làm hiệu quả, sáng tạo. Cụ thể như Sở Tư pháp xây dựng khung chương trình TTHC liên thông với Công an thành phố và Sở Y tế để sau khi cấp đăng ký khai sinh cho trẻ sẽ đăng ký ngay hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Sở Nội vụ có đề án “Thí điểm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”; đồng thời khảo sát tại tám sở, ngành để xây dựng danh mục TTHC liên thông. Công an thành phố tích cực thực hiện “ba giảm” (giảm thời gian, giảm hồ sơ giấy tờ, giảm số lần đi lại của người dân) qua việc triển khai mô hình công an xuống địa bàn giúp dân làm thủ tục sang tên đổi chủ mô-tô, xe máy tại các địa phương. Quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên là những đơn vị đi đầu trong thực hiện giảm số lượng, tăng chất lượng các cuộc họp, tăng trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Sở Tài chính, quận Long Biên đầu tư lắp đặt hệ thống ca-mê-ra, cùng bảng điện tử đánh giá thái độ phục vụ nhân dân tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, nhằm giám sát quá trình làm việc của các cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng sách nhiễu nhân dân…
Ðể nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, thành phố yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện tám giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015, công bố công khai, đầy đủ thông tin quy hoạch, tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp nghiên cứu lập dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định mức giá cho thuê đất trong thời hạn từ năm đến mười năm; tinh giản một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, trong đó đặc biệt giảm các chi phí về thủ tục hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận, coi đây là biện pháp quan trọng để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Ðối với chỉ số “chi phí không chính thức”, cùng với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trong công việc, việc thanh tra công vụ cũng sẽ được tăng cường nhằm xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị và địa phương vi phạm, đặc biệt là đối với những hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Cho đến nay, chưa thể khẳng định tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, phức tạp đã hết, nhưng rõ ràng, đã có chuyển biến bước đầu về nhận thức và trách nhiệm của tập thể, cá nhân cán bộ, công chức các đơn vị. Chuyển biến rõ nhất là thái độ, tác phong khi giao tiếp với doanh nghiệp, nhân dân; tinh thần trách nhiệm trước công việc; ý thức phục vụ nhân dân được cải thiện, nâng cao hơn.
Tập trung các nguồn lực thi công các công trình trọng điểm
Năm 2013 là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết đại hội Ðảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 15, yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố phải đẩy mạnh triển khai các công trình trọng điểm giai đoạn 2011 – 2015. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm còn rất đáng lo ngại. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, đến đầu tháng 8, trong số 55 dự án, công trình trọng điểm, có đến 37 dự án chậm tiến độ. Ngoài ra, tiến độ các dự án giao thông trọng điểm do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, thi công trên địa bàn Hà Nội cũng ách tắc. Ðiển hình như các dự án đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu và đoạn Nguyễn Khoái – Ô Ðống Mác, đường vành đai 2, đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, đường nối Nhật Tân – Nội Bài, quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên… Nguyên nhân là do thiếu kinh phí triển khai, cơ chế chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) còn nhiều vướng mắc, yếu kém, trì trệ trong công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp…
Ðể khắc phục tình trạng thiếu vốn, thành phố triển khai hai đợt phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô, bổ sung 2.000 tỷ đồng cho năm dự án giao thông, hai bệnh viện và công trình hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía tây Hà Nội. Các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng được triển khai quyết liệt bằng ban hành các cơ chế đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tăng cường đối thoại trực tiếp với các hộ dân tạo sự đồng thuận cao của người dân khi bị thu hồi đất. Chỉ sau hai tháng thực hiện quyết liệt, về cơ bản, những vướng mắc về GPMB của các dự án đã được tháo gỡ. Dự án đường vành đai 1 có đủ mặt bằng để thi công, phấn đấu thông xe trước ngày 31-12. Dự án đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng đã khởi công hai gói thầu xây lắp. Các dự án quốc lộ 3 mới và đường nối từ Cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài đã hoàn thành GPMB hơn 98%. Ðối với dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu, 100% diện tích đất phải thu hồi trên địa bàn huyện Ðông Anh đã hoàn thành GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư, còn 70 hộ dân ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) nằm trên khu vực thi công đường dẫn phía nam có thái độ bất hợp tác, cố tình không di dời. UBND quận Tây Hồ đang tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục các hộ dân, nếu tình hình không có chuyển biến, quận sẽ tổ chức cưỡng chế GPMB các trường hợp cố tình chống đối, phấn đấu hoàn thành GPMB trong tháng 11.
59 năm sau Ngày giải phóng Thủ đô, từ một thành phố nhỏ bé, lạc hậu về mọi mặt, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội là một đô thị lớn của khu vực. So với năm 1954, diện tích Hà Nội hôm nay tăng gấp hơn 18 lần, dân số tăng 17 lần. Dù phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thử thách, nhưng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và ý chí vươn lên, chúng ta tin tưởng rằng, thời gian tới, Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Ðại hội Ðảng bộ thành phố khóa 15 đã đề ra; có những bước tiến vững chắc, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm mong đợi và tin yêu của nhân dân cả nước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()