Hà Nội kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai
Thời gian qua, TP Hà Nội đã xử lý nhiều dự án được giao đất, nhưng chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích để trục lợi. Không ít dự án đã bị xử phạt hành chính, thậm chí thu hồi quyền sử dụng đất, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều dự án thi công chậm tiến độ, dở dang, gây mất mỹ quan đô thị và bức xúc dư luận.
Dự án Sky Garden Towers tại số 12, ngõ 115 phố Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) được chủ đầu tư là Công ty TNHH Định Công giới thiệu có vị trí đắc địa, nằm trong khu vực được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, theo đó trong vòng bán kính 500m có đầy đủ trường học, từ mầm non đến THCS, chợ, siêu thị, bệnh viện, công viên. Dự án gồm tòa tháp đôi cao 28 tầng, hai tầng hầm, một tầng kỹ thuật, một tầng mái, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000 m2, thiết kế hiện đại, mang đến cuộc sống tiện nghi cho khách hàng, dự kiến hoàn thành vào năm 2014… Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ xây đến tầng tám rồi để đó, không bóng người, vắng vẻ, cửa khóa im ỉm. Hệ thống giàn giáo, sắt thép xây dựng đã hoen gỉ, lưới bảo vệ rách tả tơi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án đã bị UBND phường Định Công ra quyết định dừng thi công từ cuối năm 2013 do làm ảnh hưởng đến các hộ dân liền kề. Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công do sai nội dung giấy phép… Nhưng, lý do chính khiến công trình “đắp chiếu” suốt thời gian dài do năng lực của chủ đầu tư hạn chế, không hợp tác với các cơ quan chức năng trong quá trình khắc phục vi phạm. Nhiều khách hàng phản ánh, họ đã ký hợp đồng tham gia góp vốn, đóng tiền mua căn hộ, nhưng từ hai năm nay không thể liên lạc được với đại diện chủ đầu tư.
Cùng cảnh ngộ nêu trên, dự án khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại khu đất số 131 phố Thái Hà, quận Đống Đa do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư, được cấp giấy phép xây dựng từ năm 2005, với hai tầng hầm, 11 tầng nổi, ba tầng kỹ thuật, nhưng đã dừng thi công từ năm 2010. Công trình hiện vẫn dang dở phần xây thô, nhiều chỗ đã đầy rêu mốc, hệ thống tường rào bảo vệ bằng tôn hoen gỉ, mục nát. Chị Nguyễn Kim Oanh, nhà ở phố Chùa Bộc, thường xuyên đi qua tuyến đường này bức xúc cho biết: Công trình thi công dang dở không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người dân. Chiếc cần cẩu sừng sững với hàng tấn thép, vươn ra xa, rất dễ gây nguy hiểm cho người đi đường, nhất là trong mùa mưa bão như hiện nay…
Ngoài hai dự án nêu trên, trên địa bàn thành phố còn nhiều công trình có tiến độ thi công rất chậm trễ khác như Tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân, số 1 đường Thanh Bình (quận Hà Đông), có quy mô 45 tầng nổi, năm tầng hầm, khởi công đầu năm 2010, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở tầng hầm. Trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng giao dịch và văn phòng cho thuê tại 198B phố Tây Sơn (quận Đống Đa) đã thi công xong phần thô từ hơn một năm trước, với 21 tầng nổi, tầng tum kỹ thuật, ba tầng hầm, nhưng cho đến nay công việc hoàn thiện vẫn ì ạch…
Không chỉ các dự án thi công chậm tiến độ, tình trạng các chủ đầu tư “ôm đất” dự án rồi bỏ hoang gây lãng phí vẫn diễn biến phức tạp. Theo kết quả rà soát hơn 570 dự án phát triển khu đô thị, nhà ở vừa được Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành, trên địa bàn thành phố có 30 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa. Điển hình như dự án xây dựng tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở tại 139 phố Đại La đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, nhưng quá 12 tháng vẫn chưa đưa vào sử dụng, hiện khu đất này đang trở thành điểm bán bia hơi… Dự án Xây dựng khu nhà ở để bán tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) vẫn để hoang đất, gây lãng phí. Đáng chú ý, có 17 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng thực hiện chậm hơn 24 tháng so tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt, trong đó có hai dự án bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng, 12 dự án chậm tiến độ do quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, hoặc do thị trường bất động sản trầm lắng, cho nên chủ đầu tư chưa triển khai. Gần 40 dự án chưa phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu… Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, việc thi công chậm tiến độ tại các dự án nêu trên là thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư. Tình trạng công trình xây dựng dở dang đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan đô thị, gây tâm lý hoài nghi trong dư luận và gây bức xúc đối với người mua nhà tại dự án.
Cùng với Sở Xây dựng, kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện, thị xã cũng cho thấy trên địa bàn thành phố có hơn 340 dự án sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích đất gần 2.600ha. Trong đó, gần 160 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, với diện tích hơn 1.400ha, nhưng chưa đưa vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao trên thực địa, 43 dự án chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt, 35 dự án chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng. Hậu quả của việc chậm tiến độ dự án dẫn đến đất bị bỏ hoang lãng phí. Nhiều nơi không được quản lý chặt chẽ, dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước thực trạng này, từ năm 2009 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi đất đã giao đối với 60 tổ chức, với tổng diện tích gần 1.800ha, trong đó 32 dự án đã thu hồi quyết định giao đất, thu hồi trên thực tế. Riêng sáu tháng đầu năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra 33 đơn vị được giao đất, xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng và làm thủ tục trình UBND thành phố ra quyết định thu hồi hơn 15.000 m2 đất sai phạm.
Mới đây Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã giao Sở Xây dựng phân loại dự án theo các giai đoạn để đánh giá, phân tích và đưa ra đề xuất cụ thể, đồng thời kiến nghị xử lý các dự án có dấu hiệu vi phạm. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất biện pháp xử lý các dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết, nhưng chủ đầu tư chậm triển khai. Quan điểm của thành phố là kiên quyết thu hồi dự án đối với các chủ đầu tư cố tình trì hoãn, chậm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()