Hà Nội : Khó khăn, nhũng nhiễu nằm ở chính các sở, ban, ngành TP
Sáng 28-3, tại cuộc giao ban thường trực thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, sở, ban ngành của TP quý I-2013, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội khẳng định, những vướng mắc tồn tại của công cuộc cải cách hành chính (CCHC) không phải là ở cấp cơ sở mà ở chính các sở, ban, ngành của TP.
– Sáng 28-3, tại cuộc giao ban thường trực thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, sở, ban ngành của TP quý I-2013, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội khẳng định, những vướng mắc tồn tại của công cuộc cải cách hành chính (CCHC) không phải là ở cấp cơ sở mà ở chính các sở, ban, ngành của TP.
Thủ tục hành chính còn nhiều chồng chéo, bất cập
Theo ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tình hình thực hiện CCHC của TP trong thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số sở, ban, ngành và quận huyện thị xã chưa tinh gọn. chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, trùng lắp nên kết quả và tiến độ giải quyết một số công việc còn chậm, hiệu quả thấp.
Phẩm chất, năng lực trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn biểu hiện sách nhiễu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là những việc khó, phức tạp, nổi cộm, bức xúc. Việc cải tiến nâng cao chất lượng các hội nghị, giảm số lượng các văn bản giấy tờ chuyển biến chậm, một số cơ quan đơn vị còn hội họp nhiều gây lãng phí thời gian, kinh phí.
Về vấn đề phân cấp trong mối quan hệ xử lý công việc giữa cấp và ngành, giữa chính quyền cấp trên và cơ sở thiếu sự ăn khớp đồng bộ. Một số ngành, lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, cụ thể về nhiệm vụ trách nhiệm thẩm quyền và cơ chế một đầu mối quản lý nhà nước của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tập thể, cá nhân đối với nhiệm vụ được phân cấp dẫn đến sự chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý.
Ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng, vai trò kiểm soát và quyết định của người đứng đầu là rất quan trọng trong việc thực hiện CCHC. Vì thế đại diện quận Long Biên kiến nghị TP cần quyết đáp nhanh nhất là trong một số trường hợp cần thiết chứ không cần đi đủ quy trình vì có những việc nếu đi đủ một vòng mất một đến hai tháng, “nên rút ngắn với những việc đơn giản có thể giải quyết trong một tuần”, ông Hải nói. Bên cạnh đó TP cần tiếp tục rà soát về vấn đề phân cấp để bảo đảm tính khả thi, thí dụ phân cấp về cơ sở hạ tầng, có những tuyến đường thuộc ba sở quản lý, điều này gây khó cho chính quyền cơ sở khi thực thi nhiệm vụ của TP giao.
TP có nhiều sáng kiến tốt nhưng thực thi ở cấp sở ngành lại có vấn đề
Theo đánh giá mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 của Hà Nội xếp thứ 51/63 ( giảm 15 bậc so với năm 2011), có 7/9 chỉ số giảm so với năm 2011.
Đối với chỉ số tiếp cận đất đai và và sự ổn định trong sử dụng đất, theo kết quả điều tra, tỷ lệ DN Hà Nội có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và tỷ lệ đất có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức của Hà Nội có tăng dần qua các năm nhưng vẫn ở mức thấp so với cả nước. Năm 2012 có 54,32% DN có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đất, 66,8% diện tích đất có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đất chính thức. Năm 2012 hai tiêu chí này của Hà Nội lần lượt xếp hạng là 63/63 và 50/63. 76%. DN gặp khó khăn khi thuê mặt bằng kinh doanh vì giá thuê mặt bằng cao, thủ tục mua đất phức tạp, giải phóng mặt bằng chậm, thiếu quỹ đất sạch và vướng mắc về quy hoạch.
Chỉ số “chi phí không chính thức” là chi phí đo lường các khoản phí không chính thức mà DN phải trả để thực hiện thủ tục hành chính hoặc có được hợp đồng kinh doanh. Mặc dù tỷ lệ DN trả lời rằng trả chi phí không chính thức giảm nhưng “nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến” khiến Hà Nội xếp thứ 56/63. Theo VCCI, chi phí không chính thức là chỉ số có cải cách đình trệ làm cản trở hoạt động kinh doanh của DN.
Chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo là chỉ số xếp hạng ở mức thấp nhất trong những năm qua của Hà Nội (61/63). Có 60,7% DN nhận định có những sáng kiến tốt ở cấp TP nhưng việc thực thi ở các sở ngành lại có vấn đề, 27% DN cho rằng lãnh đạo TP có chủ trương, chính sách tốt nhưng lại không được thực hiện đúng ở cấp huyện.
Theo ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên nhân căn bản làm DN không hài lòng và hay kêu chính là về đồ án quy hoạch. Thực tế nhiều hồ sơ, dự án không triển khai được phải chờ đợi rà soát quy hoạch. “Do biến động thị trường, DN mong muốn điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp nhưng chúng tôi không đồng ý vì nếu thế sẽ vỡ quy hoạh. Nhiều DN chia nhà thương mại ra thành nhà thương mại chú không phải nhà xã hội nên chúng tôi cương quyết không nhận.”, ông Hải cho biết. Một vấn đề nữa đó là văn bản chính sách của chúng ta ban hành, sửa đổi liên tục khiến DN nhiều khi trở tay không kịp.
Cũng theo lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, hiện nay triển khai các quy hoạch lớn trên TP, nếu “thuộc bài’, làm đúng nhất chính là Viện quy hoạch Hà Nội và Viện quy hoạch của Bộ Xây dựng. Sao khi giao quy hoạch NTM cho các huyện thì gần như tất cả quay trở lại xin tư vấn của Sở. Hiện nay lực lượng làm tư vấn công tác quy hoạch của Hà Nội quá tải không đạt yêu cầu với khối lượng khổng lồ. Hiện mới gỡ 50% đồ án quy hoạch sau quy hoạch chung và số lượng quy hoạch triển khai sau quy hoạch chung mới đạt được khoảng 70%. “Chúng tôi cũng xin nhận lỗi chưa làm hết trách nhiệm để tháo gỡ”, ông Hải nói.
Lực cản phát triển kinh tế – xã hội chính từ con người trong bộ máy hành chính
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, yêu cầu CCHC của thủ đô rất cao và lãnh đạo TP đã nhận thức rất rõ từ lâu đây là vấn đề cấp bách. Tuy đã có nhiều cố gắng song trên thực tế công tác CCHC của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu, có những cái chuyển biến không đáng kể.
CCHC là quá trình khắc phục lực cản trong cơ chế thực hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Lực cản này trước hết bắt nguồn từ cơ chế chính sách lạc hậu, chồng chéo trong khi việc sửa đổi, bãi bỏ lại chậm. Lực cản thứ hai là từ bản thân con người trong bộ máy đó, đây là nguyên nhân chính. Nói đến CCHC nhiệm vụ hàng đầu là cải cách của người làm trong bộ máy hành chính của chúng ta.
Trước đây những khó khăn, nhũng nhiễu đều được cho là do cấp cơ sở nhưng hiện nay bộ phận tiếp dân và bộ phận một cửa lại chuyển biến tốt. “Thông qua nhiều kênh từ dư luận, nghiên cứu điều tra thì dường như những tồn tại vướng mắc lại nằm ở chính cấp sở ngành, TP. Chính các huyện quận cũng đang kêu cấp TP”.
Bàn về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Bí thư Thành ủy Hà Nội phân tích, tại hội nghị năm ngoái Hà Nội hứa không tăng nhiều cũng cố tăng 10 bậc vậy mà cuối cùng bị tụt 15 bậc, có năm tiêu chí bị xếp hạng thấp hoặc rất thấp, bẩy tiêu chí giảm so với năm trước. Chỉ số PCI thể hiện sự không hài lòng của DN và trong năm năm qua Hà Nội thường bị xếp trong nhóm trung bình.
Về khách quan Hà Nội có nhiều cơ hội và thách thức với các nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý nhà nước ra sức làm “đúng bài” nhưng đến mức nào là hợp lý, phải chăng chúng ta thiếu năng động dẫn đến sự chậm trễ. DN và chủ đầu tư thì muốn nhanh để cơ hội không rơi vào tay người khác, cũng bôi trơn nhưng “những nơi khác DN bôi thì trơn nhưng HN bôi mà không trơn”. Bảng xếp hạng chỉ số PCI này chính là sự báo động để TP nỗ lực, quyết tâm hơn trong thời gian tới.
Ông Nghi cho rằng, CCHC đồng nghĩa với việc đội ngũ CBCC tâm huyết, nhận khó khăn về mình giải quyết khó khăn của người dân và DN, không thể là người ban phát như cơ chế xin cho trước đây. Theo kết quả khảo sát hồi tháng 6-2012, có đến 93% phiếu đánh giá CBCC nắm vững nghiệp vụ nhưng phiếu đánh giá về tinh thần nhiệt tình cao nhất cũng chỉ có 52,4%. Còn theo kết quả khảo sát tháng 2-2013 đánh giá tại bốn Sở, tính quyết liệt trong công việc của Sở đạt cao nhất là 28%, mức độ hài lòng đối với thái độ thực thi công vụ cũng chỉ là 26% ở nơi cao nhất. Báo cáo này phù hợp với đánh giá của VCCI.
Phân tích về những nguyên nhân khách quan khiến công tác CCHC còn chậm, không hiệu quả, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, văn bản cơ chế chính sách nhiều lại hay thay đổi, có thể làm kiểu này hay kiểu khác vì nhiều bộ ngành cùng quy định khiến nhiều khi CBCC lung túng hoặc sợ trách nhiệm không làm. Lương của đại đa số CBCC còn thấp. môi trường làm việc chịu sự quyến rũ tấn công của cơ chế thị trường.
Do đó trong thời gian tới Hà Nội phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm ý thức của CBCC, đặc biệt là các cán bộ, chuyên viên các sở ngành, TP; làm tốt công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nghiệp vụ. nghiên cứu cơ chế chính sách động viên CBCC làm việc; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý kinh tế xã hội, phân định rõ sát thực tế hơn, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm. chủ động tham gia tích cực với cơ quan cấp trên, tăng cường công tác thanh kiểm tra công vụ.
Nhandan
Ý kiến ()