Hà Nội hướng tới nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiệu quả, bền vững
Thành lập ngày 30/11/1954, tiền thân là Sở Canh nông Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã trải qua 60 năm xây dựng và phát triển. 60 năm qua, ngành nông nghiệp Thành phố không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô.
Một chặng đường vẻ vang
Áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất và chất lượng nông sản. |
Ngay sau ngày thành lập và liên tục trong các năm sau ngày giải phóng, các hệ thống thủy nông, thủy lợi lớn của TP đã được xây dựng, dần đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhân dân tích cực khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời áp dụng rộng rãi các biện pháp cải tiến kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; mở rộng phát triển thêm các ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống. Qua 10 năm tiến hành khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa (XHCN) và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), nông nghiệp Thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nông nghiệp phát triển theo hướng đa canh và thâm canh, từ trồng cây lương thực là chủ yếu sang trồng cây thực phẩm, cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi, thủy sản.
Trong giai đoạn 1965 – 1975, ngành vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất vừa thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cán bộ, công nhân viên chức của ngành đã vượt qua khó khăn, gian khổ chống thiên tai, địch họa, thực hiện 3 cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp được củng cố thông qua cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã (HTX), đưa lên HTX bậc cao; thực hiện “3 xây, 3 chống” trong các cơ sở nông, lâm, ngư nghiệp. Năng suất lúa đạt trên ngưỡng 5 tấn/ha/năm, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 1975 đạt 90.907 triệu đồng, tăng 19,3% so với năm 1965.
Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên CNXH, thực hiện chủ trương của Thành ủy, ngành đã chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp, thực hiện cơ chế khoán sản phẩm đến hộ nông dân là khâu đột phá trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, quan hệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nông dân, tạo ra động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ nông nghiệp phát triển, làm biến đổi sâu sắc nền nông nghiệp Thủ đô và kinh tế – xã hội ngoại thành Hà Nội.
Những thành tích đáng tự hào
Áp dụng kỹ thuật làm mạ khay tăng năng suất lúa tại Hà Nội. (Ảnh: HNV) |
Sau 60 năm xây dựng và phát triển, ngành NN&PTNT Hà Nội đã tiến bước vững chắc với những thành tích đáng tự hào: Giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng; tổng sản lượng lương thực luôn vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm; cơ sở hạ tầng nông nghiệp ngày càng được đổi mới, nâng cấp; hệ thống đê điều, công trình thủy lợi không ngừng được củng cố đảm bảo phục vụ sản xuất; bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng cao…
Nông nghiệp thủ đô bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hoá tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao; vùng sản xuất rau an toàn; vùng trồng cam canh, bưởi diễn; vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì, Mê Linh… Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; các loại hình dịch vụ nông nghiệp, thương mại, vận tải… phát triển mạnh ở các huyện, thị xã đã góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động kinh tế khu vực nông thôn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) và Đề án xây dựng NTM Thành phố Hà Nội, tính đến hết năm 2013, trên địa bàn Thành phố có 19/19 huyện, thị xã phê duyệt đề án xây dựng NTM cấp huyện, 100% số xã phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM; đã có 50 xã đạt chuẩn NTM được Thành phố công nhận; 153 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí; 148 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 -13 tiêu chí; 50 xã đạt và cơ bản đạt từ 5 – 9 tiêu chí.
Toàn thành phố có 996 HTX nông nghiệp; 1.291 trang trại các loại; 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 58,8% số làng của toàn Thành phố (trong đó có 286 làng nghề đã được UBND Thành phố công nhận). Hoạt động của các HTX, các làng nghề và các trang trại đã thu hút được một lực lượng lao động đáng kể từ khu vực nông thôn tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú như: hàng dệt may, đồ gỗ, nông sản chế biến… góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hoá cao.
Hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, điện, nước sạch được quan tâm đầu tư. 100% số thôn, xã có điện sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt; các đường liên xã được nâng cấp, đường liên thôn và đường làng phần lớn được bê tông hóa; 100% số xã có trạm y tế (trong đó 77,6% trạm y tế xã có bác sỹ). Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn. Công trình nhà văn hoá, sân vận động thể thao ở nhiều nơi được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Công tác vệ sinh môi trường bước đầu đã được quan tâm đầu tư, tỷ lệ xã, thôn được thu gom rác thải trên địa bàn thành phố đạt trên 74%.
Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 8,2 triệu đồng/năm ở năm 2008 lên trên 21,3 triệu đồng ở năm 2012 và năm 2013 đã đạt 23,7 triệu đồng/người/năm. Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,5%; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao.
Có thể thấy, trong 60 năm qua, ngành NN&PTNT Hà Nội luôn chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác phù hợp với yêu cầu thực tế trong từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, sau khi triển khai Nghị quyết 15/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho thành phố phê duyệt thực hiện nhiều chương trình, đề án như: Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009 – 2015; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng tới năm 2020; Đề án phát triển hoa, cây cảnh, cây ăn quả; Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao… Công tác dồn điền, đổi thửa hoàn thành 96% diện tích đã tạo bước đột phá, giúp các địa phương quy hoạch lại ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, xây dựng các vùng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, sản xuất hàng hóa chất lượng cao; chuyển mạnh cơ cấu nông nghiệp sang sản xuất nông sản, thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; gắn phát triển nông nghiệp với cải thiện, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và NTM.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()