Hà Nội hỗ trợ thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp
Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội đã triển khai đồng loạt nhiều hình thức hoạt động, giúp thanh niên Thủ đô "lập thân, lập nghiệp vì tương lai tươi sáng của tuổi trẻ và đất nước". Trong đó, nổi bật là các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ nguồn vốn, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật... giúp thanh niên nông thôn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Các cấp bộ hội đã tổ chức tuyên truyền, khuyến khích hội viên, thanh niên trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế qua các mô hình hợp tác xã thanh niên, câu lạc bộ khuyến nông, câu lạc bộ thanh niên lập thân lập nghiệp; mô hình kinh tế trang trại, khu du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, cây cảnh; các loại hình cửa hàng kinh doanh – dịch vụ do thanh niên góp vốn… Ðến nay, thành phố có gần 30 nghìn thanh niên được hỗ trợ vay vốn thông qua nhiều hình thức khác nhau, với nhiều cách làm sáng tạo, tạo điều kiện cho thanh niên có vốn đầu tư sản xuất, vươn lên làm giàu. Ðồng thời, duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình “Thanh niên làm kinh tế giỏi”, nâng cao uy tín của hội trong việc đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế.
* Ngành giáo dục đào tạo tỉnh Ðác Lắc đang đồng loạt thí điểm và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án như: Ðề án dạy và học ngoại ngữ, chương trình Seqap, dự án Mô hình trường học mới, phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học. Trong đó, thành công nhất là Mô hình trường học mới VNEN, được triển khai thí điểm từ năm học 2011-2012, với tám lớp học, 242 học sinh. Từ thành công và hiệu quả thu được, mô hình này nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ðến năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 74 trường tiểu học với 23.585 học sinh (trong đó có hơn 6.300 học sinh dân tộc thiểu số) từ lớp hai đến lớp năm tham gia mô hình trường học mới.
Ðể triển khai hiệu quả Mô hình trường học mới, Ban chỉ đạo và Ban Quản lý dự án VNEN của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn cho phù hợp thực tế các trường và địa phương. Phòng Giáo dục và Ðào tạo các huyện cũng thành lập cụm trường để sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, học tập kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của giáo viên trong quá trình dạy học. Các trường đã chủ động bố trí lớp học, xây dựng thời khóa biểu hai buổi/ngày, tạo môi trường giáo dục thân thiện và an toàn.
Theo đánh giá của ngành giáo dục và đào tạo Ðác Lắc, Mô hình trường học mới đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học trên địa bàn, đặc biệt là với học sinh dân tộc thiểu số. Kết quả học tập của học sinh các lớp VNEN đã có sự tiến bộ so với khi chưa triển khai, tỷ lệ học sinh yếu của các lớp đều giảm. Bên cạnh đó, nhận thức của phụ huynh và giáo viên về Mô hình trường học mới được nâng lên…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()