Hà Nội hình thành nhiều vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao
Nông dân chăm sóc vườn cây ăn quả ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Có nhiều thuận lợi về vị trí tự nhiên, giao thông, thị trường tiêu thụ và nhất là có nhiều loại cây ăn quả nổi tiếng đã trở thành đặc sản, Hà Nội đang tập trung hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả. Hướng tới một nền sản xuất hàng hóa, cũng như giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật tiên tiến trong trồng, chăm sóc và bảo quản sản phẩm, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội triển khai mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế cao tại một số địa phương và bước đầu đã thu được kết quả đáng khích lệ.Hà Nội vốn nổi tiếng là địa phương có nhiều loại cây ăn quả như: bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn... đã trở thành đặc sản của địa phương và được mọi người biết đến. Hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả của Hà Nội có gần 14 nghìn ha tập trung chủ yếu ở các huyện ngoại thành như: Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh... Sản lượng hằng năm đạt khoảng 180 nghìn...
Nông dân chăm sóc vườn cây ăn quả ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). |
Hà Nội vốn nổi tiếng là địa phương có nhiều loại cây ăn quả như: bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn… đã trở thành đặc sản của địa phương và được mọi người biết đến. Hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả của Hà Nội có gần 14 nghìn ha tập trung chủ yếu ở các huyện ngoại thành như: Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh… Sản lượng hằng năm đạt khoảng 180 nghìn tấn, với giá trị sản xuất bình quân đạt 68,2 triệu đồng/ha/năm. Tại một số địa phương, nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng được những vườn cây ăn quả cho thu nhập từ 300 triệu đến một tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả thời gian qua trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, đầu tư cho sản xuất còn thấp, cũng như việc ứng dụng, tiếp cận các khoa học – kỹ thuật mới, nhất là công tác quản lý, sản xuất giống cây còn nhiều hạn chế. Do vậy năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản chưa cao, khó cạnh tranh trên thị trường, giá trị kinh tế còn thấp… làm cho người nông dân chưa phát huy hết những thế mạnh sẵn có của mình.
Nhằm phát huy những lợi thế hiện có, thành phố Hà Hội đã phê duyệt và triển khai “Đề án phát triển một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao” giai đoạn 2011 – 2016. Theo đó, thành phố tập trung: Xác định vùng phát triển các loại cây ăn quả; đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản quả cho hộ nông dân để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế; Tăng cường công tác quản lý, tổ chức sản xuất và cung ứng đủ giống cây ăn quả đạt yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng cho các hộ nông dân; Xây dựng các vùng trồng và thâm canh cây ăn quả, các mô hình hộ, trang trại trồng cây ăn quả đạt năng suất cao, làm nơi trình diễn và tham quan học tập cho các hộ nông dân…
Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội Nguyễn Bá Sướng, đơn vị được giao triển khai xây dựng mô hình phát triển cây ăn quả có giá trị cao tại các địa phương cho biết: Đến nay, trung tâm đã xây dựng được 14 mô hình tại 11 xã thuộc chín huyện ngoại thành, với tổng diện tích là 307 ha, với các loại cây ăn quả chính như: chuối tiêu hồng, cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn. Khi tham gia vào mô hình, bà con nông dân được trung tâm hỗ trợ 100% về giống cây; 30% phân bón; đào tạo, tập huấn các kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản; tạo điều kiện tham quan, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm; nhất là được hướng dẫn và triển khai kỹ thuật bảo quản, nhằm mục đích tạo cho sản phẩm có mẫu mã đẹp, tăng sự cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông phối hợp các đơn vị liên quan tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đây là tiền đề cho việc đẩy mạnh năng lực sản xuất, giúp người dân yên tâm sản xuất. Việc triển khai, ứng dụng các kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng quả, hướng đến xây dựng thương hiệu cho từng loại quả đặc sản của Hà Nội.
Sau một thời gian triển khai, những mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được hình thành với những loại cây ăn quả phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương như: cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, bước đầu đã cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Bình quân các mô hình này cho thu nhập từ 210 triệu đến 450 triệu đồng/ha, sau khi đã trừ các chi phí đầu tư sản xuất. Trong năm 2012, trung tâm sẽ triển khai thêm 29 mô hình tại 21 xã, với tổng diện tích là 450 ha. Trên cơ sở những kết quả bước đầu thu được, cũng như những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thời gian tới, trung tâm xác định việc lựa chọn giống, chất lượng của giống sẽ là ưu tiên hàng đầu. Cây giống phải được chuẩn hóa về độ tuổi, kích thước của cây trước khi được đem trồng, để hạn chế việc cây giống chết, hay phát triển chậm. Lựa chọn thời gian xuống giống cho phù hợp, nhất là đối với cây chuối tiêu hồng, để thời gian thu hoạch vào mùa đông, nhằm tăng giá trị và chất lượng. Trên cơ sở về tính chất thổ nhưỡng của từng địa phương, trung tâm lựa chọn loại cây phù hợp, bảo đảm tính ổn định, lâu dài để bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tránh lãng phí trong đầu tư và hướng tới một môi trường xanh, sạch, đẹp…
Từ những kết quả thu được cho thấy có sự phối hợp “bốn nhà” (nhà sản xuất, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà cung ứng các dịch vụ) được coi là nền tảng bền vững cho việc phát triển và nhân rộng các mô hình cây ăn quả có giá trị cao trong những năm tiếp theo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()