Hà Nội: Hàng hóa dồi dào, giá ổn định trong tuần đầu giãn cách xã hội
Trong tuần đầu tiên Hà Nộ thực hiện giãn cách xã hội, tại các hệ thống phân phối như siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi… hàng hóa dồi dào, giá cả hàng hóa thiết yếu tương đối ổn định.
Hàng hóa dồi dào, giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định. Đây là điểm nhấn nổi bật sau một tuần thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố Hà Nội.
Không bị động trong mọi tình huống
Từ 6 giờ ngày 24/7, thành phố Hà Nội chính thức áp dụng Chỉ thị 17/CT-UBND để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện Chỉ thị 17 một cách hiệu quả nhất, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành đã lên các phương án nhằm đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng hàng hóa, không bị động trong mọi tình huống.
Từ phía doanh nghiệp, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart cho biết đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa với lượng hàng thực phẩm thiết yếu tăng gấp 3 lần ngày thường; trong khi các mặt hàng trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần so với ngày thường.
Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng chủ động, liên tục làm việc với các nhà cung ứng để lên kế hoạch sản xuất đảm bảo không để tình trạng bị trống trên kệ hàng.
“Phía siêu thị luôn đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cung cấp liên tục cho người dân từ 9 ngày đến 15 ngày tùy từng mặt hàng. Riêng mặt hàng như mỳ tôm, nước mắm… do doanh nghiệp làm việc với đối tác sản xuất nên hàng hóa luôn đủ cung cấp đến 45 ngày liên tục,” ông Khúc Tiến Hà nói.
Nắm bắt được tâm lý của người dân có thể tăng mua hàng tích trữ trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành công thương và các doanh nghiệp sẵn sàng trong mọi tình huống.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn bán lẻ BRG (BRG Retail) thông tin, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm.
BRG Retail cũng đẩy mạnh tích trữ các mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá bao gồm: Gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mì phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả… đồng thời cam kết không tăng giá các mặt hàng thiết yếu để cùng chung tay phòng chống dịch.
“Chúng tôi đã tăng lượng hàng thực phẩm khô, dự trữ lên 30-50% với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao. Với các mặt hàng tươi sống, Central Retail đã làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên 200-300% so với thông thường,” đại diện BRG cho hay.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Cùng đó, thành phố Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tăng từ 30%-50%; đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện,nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng có nhu cầu tăng cao.
Áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch
Không chỉ tại các siêu thị và trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa… cũng tăng cường nguồn cung ứng hàng hóa, đảm bảo nhu cầu mua sắm cho người dân trong giai đoạn dịch bệnh.
Nhiều mô hình hay cũng được áp dụng để ngăn ngừa dịch bệnh, như việc kẻ ô, căng dây chắn và lắp thêm các tấm nhựa… vừa hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và người bán tại các chợ truyền thống, song vẫn đảm bảo việc mua hàng được nhanh chóng, thuận tiện.
Nhiều chợ đã sắp xếp lại gian hàng, lắp tấm che và bố trí lối đi 1 chiều dành cho nhân dân đảm bảo hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp.
Đáng chú ý, nhiều địa phương như quận Tây Hồ, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… đã áp dụng việc phát phiếu cho người dân đi mua hàng theo ngày chẵn, lẻ, vừa đảm bão mua hàng và an toàn phòng chống dịch bệnh.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết trong những ngày vừa qua, các quận, huyện đã chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Tại các hệ thống phân phối như siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi… hàng hóa luôn dồi dào, giá cả ổn định. Nhiều siêu thị đã tăng lượng cung ứng gấp đôi so với bình thường để đảm bảo nguồn cung đầy đủ, phục vụ người dân Hà Nội. Người dân cũng rất bình tĩnh, không có tình trạng đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.
Còn tại các chợ, lượng hàng hóa nông sản thực phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu của người dân. Giá bán hầu hết các mặt hàng tại hệ thống chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại ổn định…
Để chuẩn bị cho việc phòng, chống dịch, các doanh nghiệp và hệ thống phân phối lớn trên địa bàn đã thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 (phương án dự trữ hàng cao nhất) của Sở Công Thương Hà Nội trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu) và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.
Theo nhận định, dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy, cùng với các biện pháp đảm bảo về y tế, việc bình ổn thị trường cũng là một biện pháp hết sức quan trọng góp phần thực hiện “mục tiêu kép,” theo như lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: “Phải tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa “thời gian vàng” 15 ngày thực hiện Chỉ thị để khống chế dịch, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới”./.
Ý kiến ()