Hà Nội: Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền trung và Tây Nguyên
Tối 21/12, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (Hà Nội), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Uỷ ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền trung và Tây Nguyên.
Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền trung và Tây Nguyên tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội). |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đây là một trong những sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản và 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023).
Sự kiện có quy mô khoảng 100 gian hàng và hơn 2000 sản phẩm OCOP là đặc sản vùng miền của miền trung và Tây Nguyên và 17 tỉnh, thành khác trong cả nước. Thành phố Hà Nội có 45 gian hàng với hơn 1.000 sản phẩm OCOP tham gia Sự kiện. Đặc biệt, có 20 gian hàng Văn hóa Việt-Nhật, để giới thiệu sản phẩm đặc trưng của văn hóa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.
Sự kiện lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP. Đồng thời, cũng là dịp để người tiêu dùng nhận diện, liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Tạ Văn Tường, để tổ chức Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền trung và Tây Nguyên, Ban tổ chức đã phối hợp với các cơ quan trung ương; cùng với quận ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội); các tỉnh, thành phố miền trung, Tây Nguyên như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận và 17 tỉnh, thành khác trong cả nước như Hưng Yên, Quảng Ninh, Bình Phước, Phú Thọ, Bà rịa-Vũng Tàu, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Giang, Hải Phòng, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương…
Được biết, thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề, có hơn 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đây là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, công nhận được 2.167 sản phẩm, chiếm 22% trong tổng số 9.852 sản phẩm OCOP của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao (chiếm 63,2%), 780 sản phẩm 3 sao chiếm 36%.
Dự kiến sự kiện diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21/12 đến ngày 25/12 tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (Hà Nội).
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()