Hà Nội đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 đón 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, và tổng thu từ du lịch đạt 120 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố đề ra bảy nhiệm vụ trọng tâm để phát triển. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường. Cùng với đó, rà soát và thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; lập và triển khai quy hoạch sáu cụm du lịch: Trung tâm Hà Nội; cụm du lịch Sơn Tây – Ba Vì, Hương Sơn – Quan Sơn, núi Sóc – hồ Đồng Quan, Vân Trì – Cổ Loa, Hà Đông và vùng phụ cận. Thành phố xác định, nhiệm vụ quan trọng là phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; chú trọng chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, liên kết phát triển du lịch.
* Phú Yên là một trong những tỉnh đang có nhiều nỗ lực thực hiện các chính sách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số để xây dựng vùng miền núi phát triển vững mạnh. Tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 95% số cán bộ công chức, viên chức là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn đại học, trung cấp lý luận chính trị trở lên; nâng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh tối thiểu 10% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức; cấp huyện là 20% và cấp xã là 30%. Chương trình cũng sẽ thu hút từ 120 đến 150 nhân lực chất lượng cao ở các ngành, lĩnh vực và từ 50 đến 70 kỹ sư nông nghiệp về công tác tại UBND cấp xã, ưu tiên tuyển chọn là người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, hằng năm tỉnh đều thực hiện chế độ cử tuyển đào tạo cán bộ cho cơ sở, nhất là với miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tỉnh bố trí vốn ngân sách từ 0,5% đến 0,8% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển nguồn nhân lực miền núi. Mục tiêu những năm tới, tỉnh Phú Yên sẽ có đội ngũ cán bộ cơ sở có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ; đến năm 2020 có 30% số lao động trong độ tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, hằng năm giải quyết việc làm mới cho hơn bốn nghìn lao động; từng bước xây dựng các huyện miền núi, là: Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân vững mạnh toàn diện.
Trong 5 năm gần đây, tổng vốn đầu tư phát triển cho miền núi ở Phú Yên đạt hơn 4.500 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng miền núi và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Ý kiến ()