"Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" thành ngữ ấy do ai sáng tạo ?
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" cuối tháng 12-1972 là một trong những chiến công rạng rỡ nhất của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.Là người trực tiếp tham gia cuộc đàm phán Pa-ri hồi ấy, chúng tôi hiểu rõ vì sao Mỹ ngừng đàm phán để ném bom B52 và sau đó lại ngừng ném bom để trở lại đàm phán.Dẫu không nhắc lại, ai cũng biết: Sau gần bốn năm đàm phán gay go, giữa tháng 10-1972, hai bên Việt Nam DCCH và Hoa Kỳ đã thỏa thuận về "Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam". Chính Tổng thống Ních-xơn, ngày 20-10-1972, đã gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nêu rõ "Hiệp định cơ bản đã hoàn thành", thỏa thuận sẽ ký vào ngày 31-10-1972. Nhưng rồi sau khi đắc cử tổng thống ngày 7-11-1972, cũng chính ông ta lại giở trò lật lọng. Phía Mỹ đòi sửa đổi hàng loạt vấn đề trong nội dung Hiệp định. Ta bác bỏ và nêu rõ: Nếu sửa thì sửa một số chi tiết không thuộc thực chất và nguyên tắc. Rốt cuộc, đến ngày...
Là người trực tiếp tham gia cuộc đàm phán Pa-ri hồi ấy, chúng tôi hiểu rõ vì sao Mỹ ngừng đàm phán để ném bom B52 và sau đó lại ngừng ném bom để trở lại đàm phán.
Dẫu không nhắc lại, ai cũng biết: Sau gần bốn năm đàm phán gay go, giữa tháng 10-1972, hai bên Việt Nam DCCH và Hoa Kỳ đã thỏa thuận về “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Chính Tổng thống Ních-xơn, ngày 20-10-1972, đã gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nêu rõ “Hiệp định cơ bản đã hoàn thành”, thỏa thuận sẽ ký vào ngày 31-10-1972. Nhưng rồi sau khi đắc cử tổng thống ngày 7-11-1972, cũng chính ông ta lại giở trò lật lọng. Phía Mỹ đòi sửa đổi hàng loạt vấn đề trong nội dung Hiệp định. Ta bác bỏ và nêu rõ: Nếu sửa thì sửa một số chi tiết không thuộc thực chất và nguyên tắc. Rốt cuộc, đến ngày 12-12, nhiều vấn đề tồn tại đã được giải quyết. Ngày 13-12, hai bên đồng ý tạm ngừng đàm phán để về xin chỉ thị Chính phủ mình về vài vấn đề còn lại. Đột nhiên, ngày 16-12, Kít-xinh-giơ họp báo đổ lỗi cho phía Việt Nam DCCH kéo dài đàm phán. Và ngày 18-12, tổng thống Mỹ ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược bằng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác. Ních-xơn nói: “Dùng đòn đánh mạnh nhất để thúc đẩy thương lượng”, Kít-xinh-giơ cũng nói: đây là “con át chủ bài cuối cùng” mà Mỹ tung ra.
Cuộc tiến công ấy đã làm dấy lên trong dư luận thế giới một làn sóng phản đối dữ dội. Báo chí Mỹ viết: “Hàng triệu người Mỹ cúi đầu vì xấu hổ và nghi ngờ sức khỏe tâm thần của Tổng thống”. Và rằng: “đây là một hành động khủng bố vô đạo làm hoen ố uy danh nước Mỹ”. Rằng các cuộc ném bom này là “Kiểu chiến tranh nổi khùng, tổng thống là một “bạo chúa lên cơn điên”. Rằng: “một lần nữa người ta lừa dối nhân dân Mỹ. Thay vì một nền hòa bình trong tầm tay là một cuộc chiến tranh tăng cường”. Kít-xinh-giơ trong tập hồi ký sau này thú nhận: “Không có một sự kiện nào trong chính sách đối ngoại của nhiệm kỳ tổng thống Ních-xơn lại gây ra sự phẫn nộ cao độ như cuộc ném bom dịp Nô-en”.
Cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ bị giáng cho một đòn chí tử. Ngày 30-12, Ních-xơn tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ném bom và trở lại bàn đàm phán.
Ngày 8-1-1973, đàm phán Pa-ri nối lại. Và 28 ngày sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được bốn bên Việt Nam DCCH, chính phủ cách mạng lâm thời, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn ký kết.
Nội dung Hiệp định chính thức không khác gì mấy so với văn bản Hiệp định tháng 10-1972. Vẫn là: Hoa Kỳ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút toàn bộ quân đội và vũ khí ra khỏi miền nam Việt Nam trong thời hạn 60 ngày, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền nam Việt Nam. Ông Nê-grô-pôn-te, một chuyên viên của Kít-xinh-giơ cay đắng nói với bạn bè: “Chúng ta ném bom Bắc Việt Nam để rồi chúng ta chấp nhận nhượng bộ”. Một chính khách Mỹ khác viết: “Thất bại trên bầu trời Hà Nội đã buộc chúng ta phải từ bỏ yêu sách đòi “Hà Nội cùng rút quân”.
Khi còn ở Hội nghị Pa-ri, chúng tôi đã từng nghe thấy trên báo chí và trong lời nói của bạn bè thế giới cụm từ “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và “Hà Nội, lương tri và phẩm giá con người”. Chúng tôi rất tự hào, cảm kích, tưởng đó là sáng kiến của bên ngoài. Một số tài liệu nghiên cứu của ta sau này cũng viết: “Dư luận phương Tây gọi thắng lợi của Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 là “Điện Biên Phủ trên không”.
Sự thật là thế nào? Ngày ấy, ở Hà Nội, ngay dưới căn hầm trú ẩn của tòa soạn Báo Nhân Dân tại số 71 Hàng Trống, người sáng tạo nên cụm từ ấy chính là Ban lãnh đạo Báo Nhân Dân mà trực tiếp là Phó Tổng Biên tập Thép Mới. Ông viết trong hồi ký của mình về lịch sử Báo Nhân Dân như sau: “Chưa bao giờ tờ báo đối với người Hà Nội đáng yêu đến như thế. Thực hiện chỉ thị còn mới của Ban Bí thư về công tác báo, nhấn rất mạnh sự “tranh thủ trí tuệ của toàn xã hội”, chúng ta lôi cuốn cả Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận và nhiều cây viết tên tuổi cộng tác với chúng ta… Đặc biệt sau đêm chiến thắng rực rỡ 26-12-1972, báo sáng 28, chúng ta ra lời kêu gọi bạn đọc viết cho mục: “Viết tại chỗ về Hà Nội – Điện Biên Phủ”, sáng tạo ra thành ngữ “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” thì chiều 29, trong cuộc họp Tuyên huấn, chính đồng chí Tố Hữu đặt trọng tâm vào sự chống chủ quan khinh địch, không tán thành nói “Điện Biên Phủ trên không” và báo ra mục “Hà Nội – Điện Biên Phủ”. May sao ngày 30-12, Ních-xơn phải tuyên bố ngừng cuộc tập kích bằng không quân chiến lược. Sáng kiến không chết yểu lại sống hăng lên gấp mấy”.
Ông còn viết thêm: “Mục Viết tại chỗ về Hà Nội – Điện Biên Phủ là mục nhỏ, có tính văn học của báo chí, do bản thân quần chúng bình thường viết một cách nô nức và hào hứng, chỉ có trong một cao trào về tình cảm yêu mến những giá trị cuộc sống cách mạng mới có được. Đây là lần đầu tiên quần chúng tự phản ánh chính mình về chiến thắng trong đời thường. Đời thường không chỉ có ca cẩm, bon chen mà đời thường có cả cao thượng và nhân ái. Thật ra không có mục đó, không biết lấy gì mà nuôi khí thế tờ báo cho đến khi ký kết Hiệp định Pa-ri”.
Nhân kỷ niệm 40 năm “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”, đọc lại những số báo trong tháng 12-1972 và tháng 1-1973 thì thấy đúng như những gì nhà báo Thép Mới đã viết.
Xã luận của báo, ngày 26-12-1972, có nhan đề: “Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người”. Thép Mới là tác giả bài xã luận đó. Ông dẫn câu một cô nữ tự vệ, nhân viên phục vụ khách sạn Thống Nhất, trả lời khi bạn bè quốc tế hỏi “Bom B52 ném xuống Hà Nội thì làm thế nào?”. Cô nói: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không sập được, đó là con người”. Và xã luận viết: “Con người Hà Nội không sập được. Đó là lập trường sống và chiến đấu rất tự nhiên của tất cả mọi người con của Hà Nội. Và Hà Nội đã trở thành thủ đô của phẩm giá con người. Con Người như M.Goóc-ki từng ca ngợi, cái tên đó mới vang lên kiêu hãnh làm sao”. Thép Mới còn trích dẫn lời của nhà văn Mỹ Nôi-xin-han, viết về cuộc chiến tranh không quân của Mỹ ở Việt Nam như sau: “Thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”. Một nhà báo nước ngoài khác cũng viết: “Xưa nay chưa từng có một dân tộc nào nhỏ như vậy lại có một trọng lượng như vậy đối với lịch sử”.
BA năm trước, tôi có buổi tiếp chuyện bà giáo sư sử học Ca-ro-lin Ai-xen-bớc, giảng viên Trường đại học Hofstra (Mỹ). Bà sang Hà Nội thu thập tư liệu để viết sách về lịch sử chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, giai đoạn 1969-1973. Khi đề cập nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ký Hiệp định Pa-ri, tôi có nói tới thất bại của Mỹ trong trận tập kích chiến lược B52. Bà giáo sư nói: “Chính quyền Mỹ lại cho rằng nếu không có thắng lợi của cuộc tập kích đó thì Việt Nam không nhanh chóng ký Hiệp định”. Tôi hỏi bà giáo sư có từng nghe một danh từ nào đó là “Điện Biên Phủ” không? Bà đáp: “Có. Có. Điện Biên Phủ là trận thắng lẫy lừng của Việt Nam để đi đến kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương”. Tôi nói: “Đúng là như vậy. Chúng tôi coi thắng lợi của chúng tôi đập tan cuộc tiến công bằng B52 của Mỹ chính là một trận “Điện Biên Phủ trên không”. Ngày nay không chỉ Pháp mà nhiều nước trên thế giới cũng hiểu rằng ba từ “Điện Biên Phủ” đồng nghĩa với một trận “nốc ao”. Bà giáo sư cười thoải mái. Bà cho biết, bà đã tham gia phong trào hòa bình ở Mỹ ngay từ những năm tháng chiến tranh ở Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()