Hà Nội: Điểm sáng về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù
Hà Nội đã trở thành điểm sáng về bảo tồn ca trù, khi là địa phương sở hữu nhiều câu lạc bộ ca trù cũng như nhiều nghệ nhân nhất trong số 14 tỉnh, thành có ca trù hiện nay.
Sau 10 năm ca trù được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, thành phố Hà Nội đã có động thái tích cực giúp di sản ca trù không những được“hồi sinh” mà còn được bảo tồn một cách bền vững.
Bên cạnh việc chú trọng truyền dạy lớp trẻ kế cận, thành phố Hà Nội đang tích cực tổ chức thực hành ca trù nhằm làm mới loại hình nghệ thuật truyền thống này để ca trù mang hơi thở cuộc sống đương đại và đến gần hơn với công chúng hơn.
Hà Nội đã trở thành điểm sáng về bảo tồn ca trù khi dẫn đầu về mặt tổ chức, nghiên cứu và số nghệ nhân tài năng. Số câu lạc bộ cũng tăng theo thời gian, cùng với đó là đội ngũ được trẻ hóa, đưa ca trù ngấm sâu vào tiềm thức người dân Thủ đô và du khách.
Ðã từng nhiều năm gắn bó với ca trù, giáo sư Tô Ngọc Thanh chia sẻ, cách đây 20 năm, ít người có thể nghĩ ca trù có được ngày hôm nay. Từ chỗ tìm được nghệ nhân hát ca trù còn khó, bây giờ Hà Nội đã có hàng chục Câu lạc bộ, giáo phường thường xuyên hoạt động; có nhiều nghệ nhân và cũng nhiều người có khả năng truyền dạy cho lớp trẻ.
Hà Nội hiện có 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động, với hơn 50 người có khả năng truyền dạy, hơn 220 người thực hành. Hiện cũng có hàng trăm người theo học và còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ.
Đã thành điểm nhấn của du lịch phố cổ Hà Nội, cứ vào 19 giờ tối hàng ngày rất đông khách du lịch đã ngồi sẵn ở hàng ghế trước sân khấu nhỏ ở số nhà 87 phố Mã Mây để đón xem các tiết mục ca trù. Trong tiết trời mùa thu mát mẻ, tiếng hát ca trù cùng nhịp trống phách ngân vang đã tạo nét quyến rũ cho không gian phố cổ Hà Nội. Những buổi biểu diễn như thế tạo cơ hội cho người dân cũng như khách du lịch hiểu thêm một nét văn hóa truyền thống của Hà Nội.
Để bảo tồn, phục hưng ca trù bền vững, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đang xây dựng đề án chiến lược lâu dài từng bước đưa ca trù ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí cho các Câu lạc bộ tham gia liên hoan, hội diễn; cấp một phần trang thiết bị giúp các nghệ nhân yên tâm hơn trong việc thực hành, truyền dạy ở cơ sở.
Hà Nội hiện đã có 29 nghệ nhân ca trù được vinh danh là nghệ nhân ưu tú. Qua 3 lần tổ chức liên hoan ca trù trên toàn thành phố đã tạo “cú hích” khuyến khích thực hành ca trù ở cơ sở, đồng thời phát hiện được nhiều tài năng trẻ trong loại hình nghệ thuật này.
Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, người nhiều năm nghiên cứu về ca trù cho rằng việc tổ chức các liên hoan, cuộc thi là cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên, tạo sân chơi giao lưu, học hỏi và thực hành ca trù cho nghệ nhân và các bạn trẻ yêu ca trù.
“ Các cuộc thi đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ, đây có thể nói là điều tuyệt vời của ca trù Hà Nội. Tôi thấy rằng đã có một số ca nương hát theo lối hát của các nghệ nhân và tôi phát hiện ra rằng các em nghe rất kỹ các băng âm thanh vì có rất nhiều nghệ nhân chết rồi, ví dụ như cụ Nguyễn Thị Chúc đã mất nhưng có em đã có giọng hát rất giống cụ. Điều đó chứng tỏ tư liệu đang tác động rất tích cực tới các em. Và điều tôi cho rằng rất quan trọng là các đào nương của các thế hệ trước mà chúng ta tổ chức các cuộc thi họ đang là các bậc thầy truyền dạy, đấy là điều rất mừng” – nhạc sỹ Đặng Hoành Loan chia sẻ.
Là một loại hình ca nhạc vừa dân gian, vừa bác học, việc bảo tồn ca trù đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đặc biệt là lớp nghệ nhân truyền nghề hầu hết đã ở tuổi “xưa nay hiếm,” lớp kế cận không nhiều, trong khi đó nghệ thuật này lại kén người nghe, người học. Vì vậy, song song với việc truyền dạy, đào tạo nhiều thế hệ tâm huyết, gắn bó với ca trù thì việc tìm kiếm khán giả cho ca trù cũng là điều cần thiết.
Hiện huyện Đông Anh đã đưa ca trù vào các tiết học ngoại khóa của học sinh tại xã Liên Hà – nơi có nghệ thuật ca trù Lỗ Khê nổi tiếng. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa vì chỉ khi có khán giả thì ca trù mới có môi trường để tồn tại một cách bền vững.
Bà Phùng Thị Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nêu kiến nghị “ca trù cần được quan tâm hơn nữa, đưa ca trù vào trong những nội dung ngoại khóa ở trong trường học để các lớp trẻ được tiếp cận ca trù sớm hơn. Đấy là cái duy nhất mà tôi mong muốn và các cấp, các ngành chức năng nên đưa ca trù này hoạt động thường xuyên, liên tục để môn nghệ thuật này khỏi bị mai một.”
Tại các cuộc hội thảo tìm các giải pháp bảo tồn ca trù Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân cho rằng Hà Nội hiện đang là một trong những địa phương sở hữu nhiều câu lạc bộ ca trù cũng như nhiều nghệ nhân nhất trong số 14 tỉnh, thành có ca trù hiện nay, vì vậy, thành phố Hà Nội cần đi đầu trong việc kiểm kê, đánh giá toàn bộ thực trạng ca trù trên địa bàn thành phố hiện nay, từ đó xây dựng đề án chiến lược bảo tồn, phát triển nghệ thuật ca trù để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc bảo tồn nghệ thuật ca trù một cách bền vững./.
Ý kiến ()