Hà Nội đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ du lịch
Tiềm năng lớn, thành quả đáng ghi nhận…
Với nguồn tài nguyên du lịch vật thể và phi vật thể đồ sộ và phong phú, cơ sở hạ tầng du lịch khá đồng bộ và hiện đại, lại có nguồn nhân lực chất lượng cao và lượng đối tượng, đối tác và khách hàng xuất khẩu dịch vụ du lịch hàng đầu cả nước, hoạt động xuất khẩu dịch vụ du lịch của Hà Nội có thể thực hiện đồng thời theo các kênh và cách thức như hiện diện thể nhân ở nước ngoài; xuất khẩu tại chỗ hoặc cung ứng cho người tiêu dùng cùng di chuyển đến một quốc gia thứ ba…
Hà Nội hiện có 5.175 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 1.050 di tích được xếp hạng quốc gia, chiếm gần 20% tổng số di tích của cả nước, nhiều di tích nổi tiếng đã được UNESCO vinh danh như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội… Hà Nội cũng có 1.350 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời như: Đúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc…
Hiện, Thành phố có 3.081 cơ sở lưu trú với khoảng 38.000 phòng và 1.500 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; có nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống, ẩm thực phong phú; hơn 88.000 lao động trực tiếp có chất lượng tương đối tốt. Khoảng 80% nhân viên các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và khách sạn từ 3 – 5 sao đều có trình độ đại học trở lên. 2.613 hướng dẫn viên du lịch quốc tế được cấp thẻ đều có thể sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ.
Trong ba năm, từ 2013-2015, Hà Nội tổ chức thành công ba sự kiện lớn sẽ được duy trì tổ chức định kỳ: Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội vào dịp tháng 10; Tổ chức đoàn của Thành phố tham gia Hội chợ JATA và Lễ hội Việt Nam tại Tokyo (Nhật Bản) vào dịp tháng 9 và Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – Hà Nội vào dịp tháng tư hằng năm.
Năm 2015, Sở Du lịch Thành phố được tái thành lập. Hà Nội là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách chủ yếu của khu vực phía bắc. Lượng khách du lịch đến Hà Nội có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm; Tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15%/năm. Năm 2015, Hà Nội đón 2,5 triệu khách quốc tế và 14,2 triệu khách nội địa; thu nhập đạt gần 55.000 tỷ đồng (trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm tỷ trọng 3,2% GRDP của Thành phố)…
Du lịch Hà Nội ký văn bản hợp tác du lịch với khoảng 20 tỉnh, thành phố, địa phương trọng điểm về du lịch trong cả nước; tham gia sự kiện du lịch ở hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổ chức ba trung tâm thông tin du lịch tại các cửa ngõ đón khách du lịch, điểm du lịch quan trọng, như: sân bay quốc tế Nội Bài, khu vực Hồ Hoàn Kiếm; đầu tư khoảng 40 kiốt du lịch tại các khách sạn, nhà ga, các điểm di tích lịch sử, danh thắng, trung tâm công cộng với ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Việt để cung cấp thông tin cho khách du lịch quốc tế và nội địa đến Hà Nội.
Thiết lập quan hệ và mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước, tham gia các diễn đàn và chương trình hợp tác tiểu vùng, khu vực, vùng lãnh thổ; biên soạn và phát hành nhiều ấn phẩm và phim ngắn quảng bá, giới thiệu về du lịch bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều tập gấp quảng bá các điểm du lịch, các làng nghề truyền thống nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội..
Xây dựng và củng cố duy trì trang Web Du lịch. Xây dựng các biển chỉ dẫn quảng bá tại các trục đường chính đến các làng nghề du lịch trọng điểm như mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ…
Đặc biệt, Hà Nội có nhiều lợi thế trong xuất khẩu các dịch vụ du lịch trực tiếp và phục vụ du lịch, như: Du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử; du lịch làng nghề; du lịch lễ hội; du lịch ẩm thực, du lịch tổng hợp sinh thái, giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng… Dịch vụ vận tải hành khách người nước ngoài bằng đường sắt, đường bộ giữa các điểm đến trong nước và với quốc tế…
Danh mục các sản phẩm du lịch xuất khẩu của Hà Nội ngày càng đa dạng và kéo dài theo sự phát triển, năng lực tổ chức, khai thác và kinh nghiệm thị trường, liên kết và hội nhập quốc tế của Hà Nội, nhất là với khả năng định hình và mở rộng danh mục các chuỗi sản phẩm du lịch liên kết trong nước và nước ngoài.
Trong 5 năm qua, Hà Nội liên tiếp được các trang web uy tín của thế giới vinh danh là điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Hà Nội chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Hiệu quả kinh tế du lịch chưa cao, cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ còn thấp; thiếu những điểm du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ khu vực và quốc tế; chưa có các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao; hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao, thiếu sự phối hợp chặt chẽ để tạo thành chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh; đặc biệt, chưa có định hướng xây dựng và tăng cường xuất khẩu sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao …
Cần thêm những đột phá mới
Theo Quy hoạch và Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 26-6-2016, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Phát triển du lịch Thủ đô gắn với phát triển du lịch nội địa và quốc tế; Kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô và của dân tộc, bảo vệ thiên nhiên, bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự xã hội; Phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, các tầng lớp nhân dân để phát triển du lịch.
Phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8 – 10%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân từ 15 – 17%/năm; công suất phòng đạt 60 – 65%; đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch…
Để tăng cường phát triển du lịch chất lượng cao, Hà Nội cần đổi mới tư duy, tăng cường nâng cao nhận thức về phát triển du lịch ở các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; rà soát và thực hiện tốt công tác Quy hoạch phát triển du lịch Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; lập và triển khai quy hoạch các cụm du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; đẩy mạnh xây dựng chiến lược tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước với quy mô, trình độ chuyên nghiệp hơn, gắn với từng thị trường cụ thể; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch.
Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch. Đồng thời, lập danh mục đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các dự án tổ hợp cơ sở lưu trú khách sạn cao cấp, có thương hiệu quốc tế; đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; tăng cường chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch để tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng cho các dự án đầu tư.
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư làm du lịch; thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Thành phố; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch của Thành phố để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, liên kết phát triển du lịch.
Đặc biệt, về danh mục sản phẩm du lịch và xuất khẩu du lịch, Hà Nội cần tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch: MICE, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đô thị. Trong đó, tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù tại các khu/điểm du lịch, bao gồm: Công viên lịch sử văn hóa Hoàng thành Thăng Long; không gian tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ – hồ Hoàn Kiếm; Khu du lịch văn hóa lễ hội và thắng cảnh Hương Sơn; Khu du lịch sinh thái, văn hóa và nghỉ ngơi cuối tuần Sóc Sơn; Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí phức hợp sườn tây núi Ba Vì và Khu du lịch nghỉ dưỡng Làng quê Việt; tuyến du lịch ven Sông Hồng; quần thể “Không gian lễ hội Gióng”; phát triển du lịch cộng đồng tại Ba Vì…
Chú trọng khai thác mặt nước và không gian cảnh quan chung quanh Hồ Tây, như: Phát triển dịch vụ thuyền buồm du lịch, trình diễn các loại hình nghệ thuật trên mặt nước với ánh sáng laser, pháo sáng, pháo hoa… kết hợp tuyến du lịch tâm linh, cùng với các làng nghề cổ như trồng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, cá cảnh Nghi Tàm, trồng sen và ướp trà Quảng Bá…
Bên cạnh đó, Hà Nội cần chủ động kiên quyết xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo, ép khách, chặt chém; phối hợp cộng đồng địa phương tổ chức tốt các dịch vụ vệ tinh phục vụ khách du lịch quốc tế, như xe buýt, taxi, xe điện du lịch, các nhà hàng, phát triển các dòng sản phẩm lưu niệm mang đậm nét đặc trưng của Hà Nội; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế; nâng tầm tổ chức các sự kiện du lịch như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – Hà Nội; Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội… theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và xã hội hóa cao; tổ chức một số sự kiện du lịch mới mang đậm dấu ấn của ngành Du lịch Thủ đô như: Lễ hội áo dài, Liên hoan Ẩm thực Hà thành, Ngày hội Du lịch Hà Nội…
Tập trung tuyên truyền quảng bá vào các thị trường trọng điểm như Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Âu, Australia. Tăng cường tham gia vào các chương trình, hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch trên thế giới. Thường xuyên tổ chức các đoàn FAM Trip, PRESS Trip, các phóng viên, báo chí quốc tế đến viết bài, tuyên truyền quảng bá về du lịch Thủ đô.
Tăng cường đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, bền vững, tập trung vào các dự án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng quê, du lịch sinh thái, khách sạn, khu vui chơi giải trí; phát triển và xuất khẩu du lịch ẩm thực để trở thành một trong những trung tâm ẩm thực Đông – Nam Á nói riêng và châu Á nói chung trên cơ sở nâng cấp các khu phố ẩm thực đang định hình, như Tống Duy Tân, Cấm Chỉ; các nhà hàng phục vụ khách du lịch nằm trong khu phố cổ, như: Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ… làm tăng tính hấp dẫn và mang đến cho du khách quốc tế một cái nhìn mới mẻ về Việt Nam.
Tập trung tổ chức một số sự kiện như Liên hoan Ẩm thực đường phố (dự kiến tổ chức hằng tuần tại khu vực Hồ Tây), Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam (sự kiện thường niên, tổ chức vào tháng 10) và đưa vào các chương trình hợp tác xúc tiến du lịch quốc tế, các chương trình giao lưu văn hóa như Tuần Văn hóa Hà Nội tại các nước… nhằm nâng cao hiệu quả giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô nói chung và du lịch ẩm thực nói riêng.
Với những giải pháp thiết thực và mang tính khoa học nêu trên, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, xuất khẩu du lịch Hà Nội sẽ phát triển mạnh và thực sự góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô…
Ý kiến ()