Hà Nội đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm
Ngày 24/5, tại hội nghị tổng kết Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm 2017 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Nhờ sự chủ động vào cuộc của chính quyền các cấp và sự đồng loạt ra quân kiểm tra của thành phố đến xã, phường, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2017, toàn thành phố đã phát hiện 3.587 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó xử lý hành chính 1.236 cơ sở với số tiền phạt trên 5,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ, việc quản lý sản xuất và kinh doanh các cơ sở sản xuất rượu thủ công và kiểm soát nguồn thực phẩm tươi sống, rượu pha chế từ các tỉnh khác về còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng với việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thông tin giáo dục, truyền thông; đồng thời tiếp tục thanh kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Trong đó, cơ quan chức năng tập trung kiểm soát ngăn chặn hạn chế tối đa thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm tươi sống, thức ăn ngay, dịch vụ ăn uống khu vực du lịch, thức ăn đường phố, nước uống đóng chai; tập trung triển khai một số chuyên đề trọng tâm, mô hình điểm như: tăng cường quản lý, cải thiện dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm tươi sống an toàn có kiểm soát; quản lý sản xuất rượu thủ công, rượu pha chế.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, công tác truyền thông sẽ được tăng cường thường xuyên từ thành phố đến xã, phường để nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc kiểm tra, xử lý được triển khai cả theo kế hoạch và đột xuất, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho các doanh nghiệp.
Để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố ngày càng được cải thiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu thời gian tới, các sở, ban, ngành đoàn thể của thành phố, UBND các quận huyện thị xã tiếp tục tăng cường quản lý an toàn thực phẩm; đẩy mạnh thông tin giáo dục truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm, huy động sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng truyền thông về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm; tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định an toàn thực phẩm, kiểm soát ngăn chặn hạn chế tối đa thực phẩm không đảm bảo lưu thông trên thị trường…Các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý chặt sản xuất rượu thủ công, rượu pha chế; đẩy nhanh tiến độ rà soát, hướng dẫn tổ chức cấp giấy phép cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công, quy định việc bán rượu tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; giám sát chặt chẽ và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn nói chung và rượu nói riêng./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()