Hà Nội đầu tư xây mới, sửa chữa 310 chợ, đáp ứng nhu cầu nhân dân
Thành phố Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng các chợ đang hoạt động, phấn đấu 100% các chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang lên kế hoạch để củng cố và phát triển bài bản hệ thống chợ trên địa bàn với mục tiêu khắc phục, giải quyết các tồn tại, vướng mắc thời gian qua.
Thành phố đầu tư cải tạo, phát triển hệ thống chợ đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, thuận lợi cho hộ kinh doanh và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương; không để xảy ra tình trạng khiếu kiện, mất an ninh trật tự, đảm bảo an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.
Đặc biệt, thành phố phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác, tiểu thương và người dân trong quá trình phát triển và quản lý chợ trên địa bàn.
Thời gian tới, Hà Nội mong muốn nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động chợ, khắc phục kịp thời tình trạng xuống cấp; đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất các chợ để đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa; phục vụ tốt nhu cầu dân sinh và góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững…
Thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ, phát triển đồng bộ, hài hòa, theo hướng văn minh, hiện đại tại khu vực nội thành và trung tâm các huyện, thị xã; đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại khu vực nông thôn ngoại thành.
Đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu có 100% chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng, nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng.
Thành phố tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng các chợ đang hoạt động, phấn đấu 100% các chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự, hiệu quả kinh tế, xã hội của hoạt động chợ được nâng cao…
Cụ thể, thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới 141 chợ; trong đó có 6 chợ đầu mối; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 169 chợ.
Quản lý nhà nước về chợ, thắt chặt quản lý lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, an ninh trật tự sẽ được tăng cường và nâng cao.
Hà Nội xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm để kịp thời phát hiện các tồn tại, sai sót và có giải pháp xử lý, khắc phục nhằm đảm bảo quản lý và kinh doanh theo đúng quy định pháp luật; đồng thời tổng hợp, kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung, sửa đổi quy định phù hợp với tình hình thực tế và có cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quản lý kinh doanh khai thác chợ.
Đẩy mạnh xã hội hóa, thành phố kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực đầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác chợ; tập trung hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác.
Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, thành phố làm rõ các tồn tại, khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kêu gọi xã hội hóa, xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban Nhân dân cấp xã đối với quản lý chợ; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với quản lý chợ theo phân cấp; đặc biệt là việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động chợ trên địa bàn./.
Ý kiến ()