Hà Nội: Đấu giá quyền sử dụng đất đạt mức thấp
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, đến hết ngày 31/7, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên toàn Thành phố thu được 687,37 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm 2013.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, đến hết ngày 31/7, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên toàn Thành phố thu được 687,37 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm 2013.
(Ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, qua kết quả công tác đấu giá cho thấy thành phố Hà Nội đạt mức thấp, chưa đáp ứng được nguồn thu cho ngân sách địa phương và tạo nguồn vốn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Hiện có 03 đơn vị tổ chức đấu giá (Đông Anh, Sơn Tây, Đan Phượng) với diện tích khoảng 2 ha, tổng số tiền đấu giá thu được là 324,74 tỷ.
Ngoài ra, Thành phố đã tổ chức đấu giá đất xen kẹt tại 15 quận, huyện (Phúc Thọ, Mỹ Đức, Tây Hồ, Hoài Đức, Đông Anh, Phú Xuyên, Gia Lâm, Thanh Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Từ Liêm, Đan Phượng, Quốc Oai, Thường Tín, Ba Vì) với diện tích khoảng 2,9 ha, tổng số tiền đấu giá là 362,53 tỷ.
Theo thống kê, từ 1/1/2013 đến hết tháng 6/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND Thành phố ban hành 05 quyết định giao đất cho các địa phương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá và 14 dự án đất nhỏ lẻ xen kẹt với diện tích thu hồi là 16,5 ha.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đấu giá đạt thấp là do thị trường bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng, giá giao dịch sụt giảm, nhiều dự án đã tổ chức bán hồ sơ nhưng không có người tham gia. Một số quận, huyện đã phải hủy phiên đấu giá vì số lượng người tham gia không đủ: 4 phiên tại huyện Mỹ Đức, 1 phiên tại huyện Sóc Sơn, 1 phiên đấu giá nhà chuyên dùng do Sở Xây dựng tổ chức.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về đấu giá đất chưa tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Cụ thể như, đối với các khu vực ngoại thành, chủ yếu là đất nhỏ lẻ xen kẹt, giá trị thấp, trong đó chi phí thuê tổ chức đấu giá chuyên nghiệp rất cao. Tình trạng người trúng đấu giá nợ đọng tiền sử dụng đất còn khá phổ biến. Nhiều dự án phải hủy kết quả trúng đấu giá và tổ chức đấu giá lại, gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý và giảm thu ngân sách nhà nước. Không chỉ vậy, việc xây dựng và phê duyệt giá sàn nhiều khu vực chưa phù hợp với giá thực tế thị trường, gây khó khăn cho đơn vị tổ chức đấu giá. Cụ thể, nhiều nơi, mức giá khởi điểm đưa ra quá cao nên không có người tham gia.
Để nâng cao hiệu quả đấu giá đất, Sở kiến nghị các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật khu đất sẽ đấu giá. Khi có đủ điều kiện tổ chức đấu giá sẽ cho phép tổ chức phiên đấu giá với hình thức gọn nhẹ, bỏ giá một vòng đấu; tổ chức bàn giao đất, cấp ngay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, phải xây dựng giá khởi điểm phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường, đảm bảo đấu giá thành công.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()