Hà Nội đánh giá tình hình đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2013
Ngày 11/7, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến đến các địa phương về đánh giá tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2013.
Ngày 11/7, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến đến các địa phương về đánh giá tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2013.
Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, khối lượng thực hiện vốn xây dựng cơ bản của toàn thành phố đạt 8.467,2 tỷ đồng, bằng 47,8% kế hoạch. Riêng với các công trình trọng điểm, thành phố đã phân bổ cho 38/55 dự án, giá trị giải ngân của 38 dự án được bố trí kế hoạch vốn đạt 1.944 tỷ đồng.
5 cầu vượt nhẹ được đưa vào sử dụng trong 6 tháng đầu năm đã góp phần cải thiện tình hình giao thông của thành phố- Ảnh: Minh Châu |
Đến nay, thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 5 cầu vượt nhẹ đạt hiệu quả tốt và dự kiến hoàn thành các công trình cầu vượt tại nút giao Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân; Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã; xây dựng đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu và đang triển khai quyết liệt một số dự án như giải phóng mặt bằng đường vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái, mặt bằng 2 tuyến vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng; Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng; xây dựng và cải tạo Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Đường 5 kéo dài; mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2; tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích.
Hà Nội cũng đang phối hợp thực hiện các dự án Trung ương trên địa bàn. Nhìn chung, các dự án của Trung ương trên địa bàn đều thực hiện theo phương thức giao cho thành phố thực hiện dự án giải phóng mặt bằng và xây dựng tái định cư. Tuy nhiên, phần lớn đều bị động, công tác giải phóng mặt bằng chỉ được giao sau khi đã phê duyệt quyết định đầu tư, nội dung và chi tiết các dự án tái định cư chỉ bắt đầu nghiên cứu sau khi dự án đã phê duyệt. Trong quá trình triển khai việc phối hợp còn chưa đồng bộ dẫn đến hầu hết các gói thầu phải giải phóng mặt bằng đều chậm tiến độ, cá biệt có các dự án rất chậm như khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia, cầu Nhật Tân…
Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, do nguồn lực gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu đầu tư là rất lớn nên vẫn còn hiện tượng dàn trải, chưa tập trung dẫn đến tình trạng nợ xây dựng cơ bản, dự kiến thời gian tới sẽ xảy ra nhiều với khu vực xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó là khó khăn của nền kinh tế, thị trường bất động sản trầm lắng nên nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và thu từ các doanh nghiệp thực hiện các dự án có sử dụng đất rất khó khăn, dự kiến trong thời gian tới còn khó khăn hơn…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Hội nghị |
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, nguồn vốn ngân sách năm 2013 của thành phố là 23.886 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản đến nay giải ngân được khoảng 35%, tốc độ thấp hơn kế hoạch đề ra, vì vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, đặc biệt là với các công trình, dự án có điều kiện tốt. Bên cạnh việc chủ đầu tư phải chủ động, nâng cao trách nhiệm, các địa phương cần rà soát, xử lý triệt để nợ xây dựng cơ bản để đến năm 2014 chấm dứt nợ.
Trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp toàn bộ tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để báo cáo thành phố, tinh thần là không để xảy ra nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()