Hà Nội công nhận xã Bát Tràng là điểm du lịch
Để du lịch Bát Tràng phát triển bền vững, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 3936/QĐ-UBND công nhận xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội là điểm du lịch.
Theo đó, UBND xã Bát Tràng có trách nhiệm quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo giữ gìn, phát triển tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch.
Các Sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an Thành phố, UBND huyện Gia Lâm có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện công tác quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch Bát Tràng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Làng gốm Bát Tràng nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội). Bát Tràng là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam, là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Làng gốm Bát Tràng sản xuất nhiều mặt hàng phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng, trong đó có cả những mặt hàng mỹ nghệ như: tượng và phù điêu công nghệ cao, con giống, lọ hoa, đĩa treo tường… Điều thú vị nhất khi tham quan làng gốm Bát Tràng là du khách được trực tiếp tham quan các nghệ nhân làm ra những sản phẩm vô cùng tinh tế, đặc biệt họ có thể tự tay nặn những sản phẩm mà mình yêu thích.
Theo báo cáo của xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Hội, nhờ nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng, những năm gần đây, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Italia… Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc…; khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc. Hiện, xã Bát Tràng có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Tổng giá trị sản xuất, thương mại gốm sứ năm 2018 ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Xã có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi, tiêu biểu là nghệ nhân nhân dân Trần Ðộ, nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn…
Cùng làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng gốm Bát Tràng đang được UBND TP Hà Nội cũng như ngành Du lịch đầu tư mạnh mẽ để trở thành những điểm đến du lịch làng nghề tiêu biểu ở Hà Nội, mang tầm quốc tế.
Việc TP Hà Nội công nhận Bát Tràng là điểm du lịch sẽ góp phần đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động du lịch của Bát Tràng, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch địa phương.
Ý kiến ()