Hà Nội cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn FDI
Sau giai đoạn suy giảm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã và đang “chảy” mạnh mẽ tới Thủ đô, đưa Hà Nội quay lại vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2023. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thành phố phát huy hiệu quả nguồn lực quan trọng này cho phát triển.
Công ty TNHH AEON Việt Nam sẽ mở thêm nhiều trung tâm thương mại tại Hà Nội từ nay đến năm 2030. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại Trung tâm thương mại AEON Mall Long Biên. (Ảnh MINH HÀ)
Cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn N&G (Việt Nam) và Tập đoàn SEIN I&D (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng “Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc” tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.
Hai bên cùng các đối tác lớn khác sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình chuyên biệt cho hoạt động phát minh, sáng chế, sản xuất, ứng dụng các sản phẩm micro-chip theo tiêu chuẩn công nghệ cao toàn cầu.
Đứng đầu cả nước về thu hút FDI
Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc có quy mô 200 ha với các phân khu sản xuất, khu nghiên cứu phát triển (R&D), khu nhà ở, khu logistics…
Chủ tịch Tập đoàn N&G Nguyễn Hoàng cho biết, việc xây dựng Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Nội sẽ thu hút các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn. Từ Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, các nhà đầu tư Hàn Quốc đặt mục tiêu sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng các tổ hợp sản xuất tại các địa phương khác, qua đó, tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia.
Hà Nội cũng là điểm đến quen thuộc của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. Nối tiếp đà thành công của hai dự án Trung tâm thương mại Aeon Long Biên và Aeon Hà Đông (đều có mức đầu tư khoảng 200 triệu USD/dự án), Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam (thuộc Tập đoàn Aeon Nhật Bản) đang khẩn trương triển khai thêm các dự án khác trên địa bàn Hà Nội. Mục tiêu của Aeon Mall Việt Nam là tới năm 2026 sẽ có thêm cùng lúc bốn trung tâm thương mại tại Hà Nội và nhiều hơn nữa vào năm 2030. Các dự án này đều đã được Tập đoàn Aeon Nhật Bản đồng ý cấp vốn đầu tư.
Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho biết: “Hiện chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ về kinh phí, nhân lực, trang thiết bị để có thể khởi công Trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) ngay sau khi hoàn thành các thủ tục cuối cùng”.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thời gian qua, thành phố luôn là một địa chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, thành phố đã thu hút được 62,274 tỷ USD vốn FDI (đứng thứ hai toàn quốc). Riêng trong hai năm 2018-2019, thu hút FDI của Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước với lần lượt 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư lớn đã được thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư như dự án Khu đô thị thành phố thông minh (có tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD); hai dự án của Tập đoàn Nidec tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (400 triệu USD); dự án Nhà máy xử lý rác Xuân Sơn (90 triệu USD); dự án Lotte Mall Hà Nội tăng vốn 300 triệu USD; dự án Trung tâm nghiên cứu R&D của Tập đoàn Samsung (210 triệu USD)… Riêng trong giai đoạn 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thu hút FDI của thành phố đã bị giảm mạnh.
Năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau dịch Covid-19. Thành phố Hà Nội đã quay trở lại vị trí dẫn đầu cả nước với hơn 2,26 tỷ USD vốn FDI trong sáu tháng đầu năm 2023, tăng gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó có 196 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới đạt 75,33 triệu USD; 89 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 209 triệu USD…
Các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU)… tiếp tục có những dự án lớn vào Hà Nội, tập trung vào các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống; y tế và giáo dục…
Khắc phục những bất cập
Môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội vẫn còn những bất cập, cần được khơi thông để thu hút nguồn vốn FDI hiệu quả hơn.
Về quy hoạch, thành phố đã thay đổi địa giới hành chính năm 2008, hiện nay đang điều chỉnh một số quy hoạch dẫn tới một số dự án đã được cấp phép chậm triển khai do phải điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch.
Bên cạnh đó, những quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản… có những thay đổi, còn chồng chéo, chưa thống nhất, dẫn đến thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án kéo dài.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Sumitomo khu vực châu Á-châu Đại Dương Shiomi Keigo cho biết, vào tháng 6/2018, Tập đoàn đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Thành phố thông minh và tháng 5/2019 đăng ký điều chỉnh quy hoạch. Sau hơn bốn năm, mới đây, chủ đầu tư đã nhận được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh. Đây là một bước tiến quan trọng để có thể đẩy nhanh tiến độ đối với siêu dự án này.
Về đất đai, thành phố Hà Nội có quỹ đất hạn chế, giá thuê đất lại cao gấp từ 1,5 đến 2 lần so với các địa phương lân cận, không tạo được lợi thế cạnh tranh. Cơ sở nhà xưởng đáp ứng điều kiện cho hoạt động đầu tư mới, mở rộng sản xuất còn ít.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hầu hết các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn đã được lấp đầy, các khu công nghiệp-cụm công nghiệp mới được phê duyệt đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng…
Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cũng chia sẻ, việc triển khai các dự án trung tâm thương mại cần quỹ đất lớn, vì vậy, doanh nghiệp mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ thông tin về mặt bằng kinh doanh của chính quyền thành phố.
Bên cạnh đó, về cơ cấu lĩnh vực thu hút đầu tư FDI vẫn đang có sự chênh lệch. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tỷ trọng đầu tư FDI chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thi công xây dựng (chiếm 38,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (31,1%); các ngành khác (30,2%); đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn rất hạn chế. Thành phố chưa thu hút được các dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao.
Để khắc phục dần những hạn chế, vướng mắc này, Hà Nội tiếp tục đặt nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả, thực chất hơn nữa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, chính quyền thành phố sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng các nhà đầu tư, luôn lắng nghe và cố gắng giải quyết những vướng mắc mà các nhà đầu tư, dự án gặp phải trong quá trình triển khai.
Về tổng thể, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023; phối hợp các bộ, ban, ngành hoàn thiện Luật Thủ đô để phát huy tiềm năng, lợi thế của mình.
Hà Nội sẽ tiếp tục thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để thu hút FDI; rà soát, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế.
Thành phố cũng đang chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại…
Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường rà soát các dự án nhằm đôn đốc nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nội dung cam kết được quy định trong giấy phép đầu tư cũng như để nhận diện những vướng mắc, khó khăn nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư với tinh thần đồng hành, chia sẻ.
Với các dự án quy mô lớn, phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài nảy sinh nhiều bất cập liên quan vấn đề pháp lý, thành phố sẽ kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác liên bộ để phối hợp giải quyết.
Ý kiến ()