Hà Nội: Cải thiện công nghệ giống để phát triển chăn nuôi bò sữa
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi bò sữa của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nhất định, góp phần phát triển ngành chăn nuôi của Thành phố. Tuy nhiên, hiện, ngành chăn nuôi bò sữa của địa phương này vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa (Ảnh: hanoimoi.com.vn) |
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội), số lượng bò sữa trên địa bàn Thành phố hiện đang tăng nhanh về số lượng, chất lượng và sản lượng sữa tươi. Năm 2001, tổng đàn bò sữa là 3.027 con, (trong đó Hà Nội 1992 con, Hà Tây 1035 con), đến năm 2013 đạt 13.203 con. Sản lượng sữa năm 2001 đạt 2.700 – 3.000 kg/chu kỳ, năm 2013 đạt 4.500 kg/chu kỳ.
Về quy mô chăn nuôi, năm 2001, quy mô chăn nuôi trên địa bàn Hà Tây (cũ) đa phần mang tính chất nhỏ lẻ, chăn nuôi chủ yếu trong khu dân cư. Số hộ chăn nuôi bò sữa là 918 hộ, trong đó, số hộ chăn nuôi từ 1-5 con là 871 hộ (chiếm 95%), 34 hộ từ 5-10 con (chiếm 3,7%), 12 hộ từ 10-49 con (chiếm 1,3%) và 1 hộ chăn nuôi từ 50-100 con (chiếm 0,1%). Đến cuối năm 2013, sau khi sát nhập về Hà Nội thì số hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Thành phố Hà Nội là 3.128 hộ. Trong đó, quy mô từ 1-5 con/hộ có 2.625 hộ (chiếm 84%), nuôi từ 5-10 con/hộ có 431 hộ (chiếm 13,8%), quy mô trên 10 con có 72 hộ (chiếm 2,3%).
Hiện nay, phát triển chăn nuôi bò sữa đã gắn với các cơ sở chế biến sữa thành chuỗi liên kết chặt chẽ. Lượng sữa người chăn nuôi sản xuất ra đều được tiêu thụ. Trên địa bàn thành phố có 60 điểm thu mua sữa của 5 nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa thuộc 4 công ty với giá bình quân đạt 12.600 đ/kg.
Về quy hoạch chăn nuôi bò sữa, đến nay, Thành phố đã xây dựng một số vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm gồm: xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Minh Châu (Ba Vì); Phù Đổng, Dương Hà, Trung Màu, Đặng Xá (Gia Lâm); Phượng Cách (Quốc Oai); Vĩnh Ngọc (Đông Anh),…
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Thành phố đã chú trọng việc quy hoạch diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa như: hỗ trợ giống cỏ chất lượng cao như cỏ hỗn hợp Úc, Mulato, SweetJumbo, cỏ khô Alfafa,… Đồng thời, tổ chức giám định bình tuyển và gắn số tai cho bò sữa trong độ tuổi sinh sản với tổng số 10.783 từ năm 2001 – 2013. Số liệu được cập nhật liên tục vào phần mềm quản lý giống VDM theo quy định của dự án giống.
Mặt khác, Thành phố đã xây dựng được mạng lưới gồm 90 dẫn tinh viên ở tất cả các huyện, thị xã để thực hiện tốt công tác thụ tinh nhân tạo, đảm bảo công tác lai tạo giống tại địa phương nhanh chóng, hiệu quả. Hàng năm hỗ trợ 100% (khoảng gần 18.870 liều tinh bò sữa) và các vật tư kèm theo nhằm thúc đẩy phong trào thụ tinh nhân tạo bò sữa trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, hiện, ngành chăn nuôi bò sữa của Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, phương thức chăn nuôi vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa có quy hoạch tổng thể. Hệ thống cán bộ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ chuyên trách tại các địa phương còn yếu, thiếu kinh nghiệm thực tế, chưa nhiệt huyết với nghề. Thêm vào đó, chăn nuôi bò sữa đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, tuy nhiên, việc đưa nhanh các quy trình công nghệ, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất còn hạn chế. Trình độ hiểu biết về chăn nuôi bò sữa của người dân còn hạn hẹp, phần nào ảnh hưởng đến chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa chung của Thành phố. Số lượng trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn (trên 100 con) còn ít. Chất lượng giống còn thấp, mới đạt 4.500 kg/chu kỳ (trong khi ở nhiều nước đã đạt trên 6.000kg/chu kỳ).
Nhằm khắc phục những khó khăn tồn tại, phát triển ngành chăn nuôi bò sữa của Thành phố, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Chăn nuôi Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ phối giống cho bò sữa bằng tinh phân ly giới tính, tinh ngoại có năng suất, chất lượng cao. Nhân nhanh đàn bò sữa trong nước theo công nghệ tạo bò sữa lai F1, F2, F3 với 50%, 75%, 87,5%,…máu bò HF trở lên. Sử dụng tinh bò HF để thụ tinh nhân tạo cho bò cái nền Laisind đủ tiêu chuẩn để tạo bò sữa lai F1, HF. Hằng năm, triển khai công tác bình tuyển bò sữa nhằm chọn lọc những bò sữa tốt để làm giống và sản xuất sữa, loại thải những bò không đảm bảo tiêu chuẩn giống như năng suất sữa thấp, khả năng sinh sản kém, sức khỏe không đảm bảo.
Về thức ăn, cần khuyến cáo hộ nông dân sử dụng triệt để nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, thân, lá, bẹ ngô, lá sắn,…làm thức ăn ủ chua cho bò. Khai thác nguồn thức ăn từ phụ phẩm công nghiệp như bã bia, bã rượu, rỉ mật nhằm hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi. Sử dụng các loại thức ăn công nghiệp chất lượng cao trong chăn nuôi để giảm thời gian nuôi, tăng trọng nhanh, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế.
Song song với đó, cần khuyến khích các địa phương dành đất cho trồng cỏ chăn nuôi bò, đặc biệt là khu vực đất dốc không bằng phẳng tại các bãi ven sông, khu vực đồi gò. Hỗ trợ 100% giống cỏ có năng suất, chất lượng cao như: cỏ hỗn hợp Úc, cỏ Ghinê,…Sản xuất mỗi năm trên 500.000 tấn đến 750.000 tấn, đáp ứng 50% nhu cầu thức ăn xanh cho bò.
Về thú y, xây dựng hệ thống thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan. Phòng trừ khi có dịch, tránh gây thiệt hại lớn đến chăn nuôi và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân Thành phố. Hỗ trợ các loại vắc xin tiêm phòng cần thiết để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, hạn chế thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra. Đồng thời tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống Thú y, đặc biệt là vai trò của Ban chăn nuôi Thú y cơ sở; đào tạo mới và đào tạo nâng cao các cán bộ thú y chuyên sâu về bò sữa.
Về chuồng trại, khuyến khích người dân chăn nuôi theo kiểu chuồng kín có hệ thống làm mát bằng nước, hệ thống quạt hút, rơle điều tiết nhiệt, nước uống, thức ăn tự động. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống chuồng trại bò sữa theo các quy mô đàn khác nhau, đảm bảo chống nóng, chống ẩm đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các trạm thu gom sữa, kết hợp với hệ thống dịch vụ kỹ thuật và cung ứng vật tư, thiết bị và thức ăn cho bò sữa. Đồng thời kiểm tra chất lượng sữa ngay tại trạm, trong đó hệ thống kiểm tra chất lượng sữa được trang bị làm cơ sở để thanh toán sữa cho các trang trại.
Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò sữa thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị, giống, vật tư nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Hỗ trợ 100% tinh bò sữa, nitơ lỏng và các dụng cụ kèm theo, hỗ trợ công thụ tinh nhân tạo cho các dẫn tinh viên để sản xuất giống bò (hộ chăn nuôi không phải trả công phối giống) nhằm phục vụ tốt công tác lai tạo giống tại các huyện, thị xã.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()