Hà Nội: Báo động ô nhiễm không khí
Không chỉ ô nhiễm môi trường đất, nước, Hà Nội được xếp vào một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí ở mức báo động. Đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng sống của người dân.
Ô nhiễm ở mức báo động
Theo thông tin từ Trung tâm quan trắc Môi trường của Tổng cục Môi trường cho biết, trong những ngày vừa qua, từ 27/02 đến ngày 02/3/2016, theo số liệu quan trắc của Trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội cho thấy giá trị bụi PM10 và PM2,5 quan trắc được tại một số thời điểm tăng cao.
Giá trị PM10 (là các hạt bụi có đường kính động học ≤ 10µm) trung bình ngày cao nhất vào ngày 29/2 là 160 µg/m3(micrômét) và vượt quy chuẩn quy chuẩn cho phép (QCCP). Giá trị PM2.5 trung bình ngày của các ngày từ 27/2 đến ngày 02/3/2016 đều vượt giá trị giới hạn cho phép tại quy chuẩn; trong đó, ngày 29/2 có giá trị bụi PM2,5 cao nhất là 89 µg/m3 (Hình 1), vượt 1,78 lần.
Mặc dù đối với PM10, PM2,5 không quy định quy chuẩn trung bình giờ, tuy nhiên qua các giá trị quan trắc liên tục cho thấy nồng độ trung bình giờ của các thông số này thường cao vào giờ cao điểm khi mật độ phương tiện giao thông tăng cao.
Cũng theo Tổng cục Môi trường, tại các đô thị thì nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm bụi cao là do các hoạt động giao thông, hoặc từ các hoạt động sản xuất công nghiệp xung quanh.
Đặc biệt, trong những ngày qua, điều kiện thời tiết tại Hà Nội khá hanh khô, độ ẩm không khí trung bình khoảng 74% và có thời điểm chỉ là 62%; đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến nồng độ bụi PM2,5 tăng cao.
Để đánh giá chất lượng và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người do ô nhiễm môi trường không khí, bên cạnh việc so sánh với qui chuẩn thì chỉ số chất lượng không khí (AQI) tính từ các giá trị quan trắc liên tục đối với các thông số đặc trưng như PM10 và PM2,5, SO2, NOx, O3 cũng thường được sử dụng.
Như vậy, có thể thấy trong những ngày từ ngày 27/02 đến ngày 02/3/2016, chất lượng không khí Hà Nội đã bị ô nhiễm bởi thông số PM10 (ngày 29/02) và đặc biệt là ô nhiễm PM2,5 (các ngày từ 27/02 đến 02/3).
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, bụi PM2,5 là loại bụi nhỏ nhất trong khí quyển, có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong của những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.
Bởi vậy, vấn đề ô nhiễm bụi này cần được tiếp tục theo dõi, đánh giá để kịp thời có các biện pháp kiểm soát, cảnh báo và phổ biến thông tin cho cộng đồng về chất lượng không khí trong khu vực.
Những ngày qua, trên mạng xã hội cảnh báo tình trạng ô nhiễm Hà Nội cao hơn Bắc Kinh (Trung Quốc) dựa vào trang Aqicn.org của Đại sứ quán Mỹ. Theo đó, có thời điểm chỉ số AQI lên mức 388 (mức nguy hại, mọi người không nên ra ngoài), trong khi ở Bắc Kinh cao nhất cũng chỉ đến 298.
Tuy nhiên, theo lý giải Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Hoàng Dương Tùng thì các con số cập nhật trên website của Đại sứ quán Mỹ là theo trung bình giờ, nên chỉ số chất lượng không khí chỉ thể hiện ở một thời điểm trong ngày. Để do chất lượng không khí phải tính tới xu hướng, xem giá trị trung bình ngày trung bình năm thì mới khẳng định được.
Nguyên nhân chính là do phương tiện giao thông
Đánh giá về chất lượng không khí của Hà Nội hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, xu thế ô nhiễm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng. Có bốn nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi là sự gia tăng các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Dù các nhà máy này cách xa Hà Nội song bụi mịn PM2,5 có khả năng phát tán rất xa.Trong 4 nguyên nhân này thì giao thông đang là thủ phạm chính.
Theo ông Tùng, ở Băng Cốc (Thái Lan) hệ thống xe buýt ở đây dùng nhiên liệu gas nên khá sạch. Tình trạng ô nhiễm không khí vì thế được cải thiện hơn. Việt Nam vẫn dùng xăng, dầu là chủ yếu. Thêm nữa các tòa nhà, công trường xây dựng mọc ngay trung tâm thành phố càng làm cho không khí ô nhiễm hơn. “Nếu vấn đề ô nhiễm không khí không được các ngành, các cấp nhận thức đúng đắn, coi đây là vấn đề nghiêm trọng, cấp bách thì một ngày không xa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ ô nhiễm không kém gì Bắc Kinh”, ông Tùng cho biết.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, hiện nay việc quản lý các vấn đề môi trường ở Việt Nam rất manh mún. Ví dụ quản lý môi trường các công trình xây dựng là do Bộ Xây dựng. Vấn đề quản lý khí thải xe máy, ô tô lại do Bộ Giao thông Vận tải. Các giải pháp cơ bản giảm thiểu ô nhiễm không khí như hạn chế xe cá nhân, quy hoạch đường sá…cũng do Bộ Giao thông Vận tải. Trong khi các nước, việc quản lý môi trường đều do Bộ Môi trường làm, tốt xấu thì Bộ Môi trường phải chịu trách nhiệm còn tại Việt Nam quản lý manh mún nên giảm hiệu lực và tính chịu trách nhiệm. Luật Bảo vệ Môi trường 2014 đã quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên thời gian tới, quy định này phải được thực hiện rõ nét hơn.
Để giải quyết tình trạng này, hiện Tổng cục Môi trường đang trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch Hành động Quốc gia Kiểm soát ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, kế hoạch này có thực hiện được hay không dựa vào sự quyết tâm của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan. Nếu vấn đề ô nhiễm không khí không được các ngành, các cấp nhận thức đúng đắn, coi đây là vấn đề nghiêm trọng, cấp bách thì một ngày không xa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ ô nhiễm không kém gì Bắc Kinh ./.
Theo CPV
Ý kiến ()