Hà Nội - 70 năm Thủ đô anh hùng Thể thao Hà Nội bứt phá nhờ chiến lược “đi tắt, đón đầu”
Những năm qua, Hà Nội là một trong 3 cột trụ vững chắc của nền thể thao quốc gia, bên cạnh TP Hồ Chí Minh và Quân đội. Không chỉ đóng góp nhân lực, vật lực, thành tích cao trên đấu trường khu vực và quốc tế, thể thao Hà Nội đã và đang có những bước đi vững chắc, xứng đáng là ngọn cờ đầu trong sự nghiệp phát triển thể dục - thể thao (TDTT) nước nhà.
Trước khi chiếm lĩnh vị trí số 1 trong nền thể thao Việt Nam, thể thao Hà Nội nhiều năm liền xếp sau TP Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, huấn luyện và thi đấu. Trong 3 kỳ đại hội TDTT đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1985, 1990 và 1995, ngôi nhất toàn đoàn đều thuộc về TP Hồ Chí Minh. Làm thế nào để thể thao Hà Nội vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước, xứng đáng với vị thế Thủ đô là vấn đề được những người làm thể thao Hà Nội lúc bấy giờ rất trăn trở.
Thực tế, khát vọng vươn tầm số 1 Việt Nam của thể thao Hà Nội đã có từ lâu. Để thực hiện mục tiêu này, cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20, được sự đồng ý của lãnh đạo TP Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang khi ấy là Giám đốc Sở TDTT TP Hà Nội đã có sáng kiến và phát triển chiến lược thể thao “đi tắt, đón đầu” theo 4 chữ: Linh-tiểu-đoản-thủy. Hiểu nôm na, đó là việc thể thao Hà Nội tập trung phát triển một số môn thể thao linh hoạt, những hạng cân nhỏ, các cự ly ngắn và các nội dung thể thao dưới nước, lấy nữ làm chủ công để tìm đường vươn tầm quốc tế. Bởi thời điểm đó, lực lượng nữ nhi tham gia thể thao trên thế giới khá hạn chế, đặc biệt là tại một số nước khu vực Đông Nam Á vì rào cản về tôn giáo.
Bên cạnh truyền thống phát triển điền kinh, bóng bàn, bóng đá, bắn súng, thể dục dụng cụ, bơi, thể thao Hà Nội tập trung đào tạo và huấn luyện thêm nhiều môn khác, như: Cầu mây, nhảy cầu, lặn, wushu, karate, cờ vua, cờ tướng, pencak silat, khiêu vũ thể thao, cử tạ... Lúc bấy giờ, Trung tâm Đào tạo vận động viên (VĐV) cấp cao Hà Nội chưa được xây dựng, nên “đại bản doanh” của các bộ môn nằm rải rác tại các quận, huyện, như: Đội bóng đá nữ với tên gọi “Hoa học trò” tập luyện tại Ba Đình; đội judo, pencak silat và vật đóng quân ở Gia Lâm; đội bắn cung tập luyện tại Sóc Sơn; đội đấu kiếm tập luyện tại quận Cầu Giấy...
Cũng nhờ tài năng, sự tâm huyết và uy tín của cá nhân ông Hoàng Vĩnh Giang, chiến lược “đi tắt, đón đầu” nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo TP Hà Nội, tạo một luồng sinh khí mới trong phát triển thể thao thành tích cao của Thủ đô. Tuy nhiên, trong thể thao, thành tích mới là câu trả lời chính xác nhất về sự thành bại của một chiến lược, bởi bên cạnh đó vẫn có những ý kiến xì xào bàn tán và nghi ngờ về tính khả thi của "đi tắt, đón đầu". Song song với nhiệm vụ giành ngôi đầu ở các đấu trường trong nước, thể thao Hà Nội còn nhiệm vụ vô cùng quan trọng khi ấy là chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2003 (SEA Games 22) được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Thể thao Hà Nội đã cử nhiều đợt VĐV sang tập huấn dài hạn tại Trung Quốc. Nhiều bộ môn của Hà Nội thậm chí còn gửi VĐV sang đào tạo và huấn luyện tại Trung Quốc từ khi mới 8 tuổi, như môn thể dục dụng cụ, wushu, cử tạ... Năm 2002, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV, “thê đội” tập huấn tại Trung Quốc mới ra ràng đã góp công lớn giúp Hà Nội lần đầu giành ngôi nhất toàn đoàn. Nhiều môn trong chiến lược “đi tắt, đón đầu” đã phát huy hiệu quả cao, khẳng định vị thế số 1 trên toàn quốc. Tại SEA Games 22 diễn ra ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận, đoàn thể thao Việt Nam với nòng cốt là các VĐV Hà Nội đã xuất sắc giành ngôi nhất toàn đoàn với 158 huy chương vàng, 97 huy chương bạc, 91 huy chương đồng. Trong đó, các VĐV của Hà Nội đóng góp tới 80 huy chương vàng.
Kể từ cái mốc Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002, Hà Nội luôn giành vị trí số 1 chung cuộc trong 5 kỳ đại hội tiếp theo. Cũng từ sau SEA Games 22, thể thao Việt Nam với nòng cốt là 3 đơn vị (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quân đội) luôn nằm trong tốp 3 Đông Nam Á, có thêm 2 lần nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 và 32.
Tiếp nối thành công từ chiến lược “đi tắt, đón đầu”, sau SEA Games 22, thể thao Hà Nội phát triển thêm một số môn thể thao mới theo mô hình này và đã đạt được những thành tích ấn tượng. Dù đi sau nhiều năm so với các đơn vị phía Nam nhưng nhờ tiếp nối thành công từ chiến lược “đi tắt, đón đầu”, tập trung đào tạo VĐV bài bản, nhiều năm qua, bi sắt Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về đóng góp VĐV và thành tích tiêu biểu cho đội tuyển bi sắt quốc gia. Môn muay, kickboxing cũng là một hình mẫu, bởi dù phát triển sau nhưng Hà Nội luôn dẫn đầu ở 2 bộ môn này tại các giải thi đấu quốc gia trong nhiều năm qua.
Nói đến “đi tắt, đón đầu” là nhớ về một thời kỳ phát triển thể thao hừng hực khí thế của Hà Nội. Thành quả của chiến lược này là Hà Nội đã vươn mình trở thành cái nôi đào tạo và huấn luyện thể thao số 1 cả nước, luôn là điểm tựa vững chắc của thể thao Việt Nam trên các đấu trường khu vực và quốc tế.
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo TP Hà Nội, chế độ, chính sách và đời sống của VĐV Hà Nội không ngừng được nâng cao. Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 6-12-2023 của HĐND thành phố quy định một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, huấn luyện viên đạt thành tích cao của TP Hà Nội thực sự là một bước đi tiên phong so với các đơn vị trên cả nước. Nghị quyết thực sự là một điểm tựa, được kỳ vọng như là một chiến lược “đi tắt, đón đầu” phiên bản 2 với mong muốn thể thao Hà Nội khẳng định vị thế và bứt phá mạnh mẽ hơn.
Ý kiến ()