Hà Nội: 1/3 dân số được dùng nước với tiêu chuẩn nước uống tại vòi
Sau khi chính thức đưa vào vận hành giai đoạn 1, Nhà máy Nước mặt sông Đuống đã tiến hành đánh chìm tuyến ống thép qua sông Hồng có chiều dài 500m, dẫn nước sạch sang khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì thay thế cho nguồn nước bị nhiễm phèn của người dân phía Nam thành phố Hà Nội.
Ống thép dẫn nước qua sông Hồng có chiều dài 500m được đánh chìm thành công.
(Ảnh: Nhà máy nước mặt sông Đuống cung cấp)
Giữa tháng 10 vừa qua, Công ty Nước mặt Sông Đuống đã chính thức đưa vào vận hành Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1. Theo đó, nhà máy cung cấp 150.000 m3 nước/ngày đêm và đang triển khai giai đoạn 2 với dự kiến 300.000 m3 nước/ngày đêm. Sau khi hoàn thành tuyến ống qua sông Hồng sẽ đảm bảo cung cấp nước liên tục với lưu lượng 200,000 m3/ngđ – 300,000 m3/ngày đêm cho các khu vực quận Hoàng Mai, Thanh Trì và các quận thuộc các khu vực nội đô, thay thế các nguồn nước ngầm hiện đang bị suy thoái và ô nhiễm trầm trọng góp phần cải thiện điều kiện sống, cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân.
Tuyến ống qua sông Hồng được thiết kế đi dưới sông sử dụng 2 ống thép DN1400 (theo Tiêu chuẩn BS EN 10224: 2002. Chiều sâu đặt ống trung bình ≥4.0m, với chiều dày lớp phủ tự nhiên lên trên khoảng 2.6m kết hợp với bê tông gia tải và bê tông bảo vệ ống tạo độ ổn định của tuyến ống băng sông trong quá trình vận hành. Sử dụng mối nối mềm DN1400 để kết nối với ống trước và sau điểm qua sông. Tuyến ống được trắc dọc trên nguyên tắc theo độ dốc địa hình của dòng sông. Đoạn ống kéo qua sông đánh chìm được thiết kế với độ dốc nhỏ nhất nằm trên địa hình bằng phẳng sau khi đã ổn định phui đào. Đoạn ống hai đầu bờ được thiết kế kết nối với ống nằm dưới sông theo độ dốc thực tế của dòng sông.
Trong lễ phát nước tại Nhà máy nước mặt sông Đuống ngày 13/10/2018, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch với quy mô lớn, mang tính liên vùng, liên tỉnh, công trình Nhà máy nước mặt Sông Đuống sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong phát triển một hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định và lâu dài cho Thủ đô và các vùng lân cận; góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trong việc hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ, giúp giảm thiểu các bệnh tật gây ra từ nguồn nước và tình trạng ô nhiễm môi trường sống do nguồn nước không hợp vệ sinh gây ra.
Có thể thấy rằng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án này, bởi đây là dự án nước sạch đầu tiên triển khai tại Hà Nội áp dụng những công nghệ hiện đại tiên tiến hàng đầu thế giới cho ra nước sạch uống được ngay tại vòi – điều mà các nước châu Âu đã làm được từ vài chục năm trước. Vì lẽ đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để đảm bảo dự án tiếp tục hoàn thành đúng tiến độ giai đoạn 2 (vào năm 2020) cung cấp 300 nghìn m3 nước/ngày đêm và tiến tới giai đoạn 3 (hoàn thành 2022) cung cấp 600 nghìn m3 nước/ngày đêm.
Được biết, Nhà máy nước mặt sông Đuống, dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc đã đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả các hạng mục công trình về đích sớm. Đây là công trình trọng điểm của Hà Nội được khánh thành và cấp nước đến nhân dân thủ đô vào dịp kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng thủ đô. Đây là dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc, khi đi vào vận hành đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực Đông Bắc và phía Nam thành phố Hà Nội và một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên) với tiêu chuẩn nước uống tại vòi.
Các đại biểu khởi công giai đoạn 2 Nhà máy nước mặt sông Đuống. (Ảnh:TH)
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, việc hoàn thành giai đoạn 1 của Nhà máy nước mặt Sông Đuống 150.000 m3/ngày đêm, đã có thể cấp nước cho gần như toàn bộ 5 huyện ở phía Bắc Hà Nội. Hiện nay cũng đã thành công trong việc đánh chìm 2 đường ống phi 1.500m qua Sông Đuống và Sông Hồng để dẫn nước theo đường vành đai 3 về cấp nước cho khu vực Thanh Trì, Thường Tín ở phía Nam.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội thông tin thêm, căn cứ vào quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt đồng thời hiệu chỉnh cục bộ hiện nay, giai đoạn 2 của Nhà máy nước mặt Sông Đuống được xem là một trong những dự án ưu tiên và cấp thiết hàng đầu. Với tiến độ của giai đoạn 1 cộng với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, đặc biệt thường trực Thành ủy của UBND Thành phố, của nhân dân, chính quyền địa phương và các sở ngành, tin tưởng rằng đến năm 2020, chúng ta sẽ hoàn thành Giai đoạn 2 với 300.000m3 /ngày đêm và xa hơn nữa sẽ bảo đảm được quyền cấp nước từ 600.000 đến 900.000 m3 – công suất cuối cùng của Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Liên quan đến giá nước sạch sông Đuống, hiện nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao cho Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan xây dựng phương án giá bán nước sạch đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần hướng dẫn các đơn vị cấp nước bán lẻ thực hiện đấu nối chuyển nguồn từ sử dụng nước ngầm sang sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống trong phạm vi cấp nước của dự án./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()