Hà Nam vững bước trên con đường công nghiệp hóa
Doanh nghiệp thêu may Thắng Nguyên, xã Thanh Hà (Thanh Liêm, Hà Nam) chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm... đạt doanh thu cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động tại địa phương. Ảnh: THANH HẢI Đầu năm 1997, tỉnh Hà Nam được tái lập. Thời điểm ấy, tỉnh gặp khá nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, hệ thống giao thông, công trình thủy lợi xuống cấp, hạ tầng đô thị lạc hậu,...Nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, 15 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Hà Nam đã tập trung trí tuệ khắc phục khó khăn, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện về kinh tế - xã hội. Diện mạo đô thị và nông thôn thay đổi không ngừng. Đời sống nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân 15 năm qua đạt gần 11%/năm, năm 2011 đạt 13,7%. Nền kinh tế chuyển căn bản từ...
Doanh nghiệp thêu may Thắng Nguyên, xã Thanh Hà (Thanh Liêm, Hà Nam) chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm… đạt doanh thu cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động tại địa phương. Ảnh: THANH HẢI |
Nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, 15 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Hà Nam đã tập trung trí tuệ khắc phục khó khăn, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện về kinh tế – xã hội. Diện mạo đô thị và nông thôn thay đổi không ngừng. Đời sống nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân 15 năm qua đạt gần 11%/năm, năm 2011 đạt 13,7%. Nền kinh tế chuyển căn bản từ thuần nông sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu kinh tế có nhiều chuyển biến, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ dưới 20% năm 1997 tăng lên 50,2% GDP, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 49,6% đã giảm xuống 20% GDP vào năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 21,1 triệu đồng, gấp mười lần so với năm 1997.
Sản xuất công nghiệp được xác định là khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế. Trong tám khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, có bốn khu công nghiệp đã đầu tư hạ tầng với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động. Giá trị sản xuất trong các khu công nghiệp chiếm gần 60% tổng giá trị của toàn ngành, giải quyết việc làm cho gần 21 nghìn lao động.
Các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Từ kết quả của việc dồn điền đổi thửa, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành nghề dịch vụ ở thôn, xóm, cho nên giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản luôn tăng trưởng mạnh. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chuyển dần sang sản xuất hàng hóa.
Kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh được tập trung đầu tư với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, mạng lưới giao thông tương đối hoàn thiện. 100% số xã có đường liên thôn được bê-tông hóa, nhựa hóa; hàng loạt cây cầu được xây dựng kiên cố. Đã hoàn thành quy hoạch, đang đầu tư xây dựng một số tuyến đường mới nhằm nâng cao mật độ giao thông trên địa bàn. Hệ thống trường học các cấp được kiên cố hóa và cao tầng, trong đó cấp tiểu học đạt 98,56%, cấp trung học cơ sở 99,17% và 100% số trường trung học phổ thông được xây dựng cao tầng.
Văn hóa xã hội có bước phát triển mới kết hợp hài hòa với tăng trưởng kinh tế. Phát huy truyền thống Bắc Lý Anh hùng, ngành giáo dục – đào tạo luôn giữ vững quy mô và chất lượng. Hà Nam là một trong số ít tỉnh sớm hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội có hiệu quả. Các hoạt động nhân đạo từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đã trở thành nếp sống văn hóa, nghĩa cử cao đẹp của người dân Hà Nam.
Quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, 15 năm qua, công tác xây dựng Đảng luôn được coi trọng, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị, bảo đảm đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên; tổ chức cơ sở đảng yếu kém giảm dần.
Đạt được những thành tựu trên, trước hết là do Tỉnh ủy đề ra chủ trương đúng và trúng, phù hợp từng giai đoạn. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong nhân dân thường xuyên được củng cố, tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị hướng vào mục tiêu phát triển của địa phương, hình ảnh của vùng đất văn hóa này ngày càng rõ nét, thu hút được các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh sau 15 năm tái lập, Đảng bộ, quân và dân Hà Nam tự hào, phấn khởi trước những thành tựu quan trọng cùng với sự đổi thay toàn diện, mọi mặt của đời sống nhân dân trong tỉnh.
Bước vào thời kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam tiếp tục phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,5%/năm trở lên. GDP bình quân đầu người đạt 40,2 triệu đồng trở lên, bằng mức bình quân chung của cả nước.
Để tập trung lãnh đạo, Tỉnh ủy đã ban hành sáu nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá. Trong đó tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững, trọng tâm là phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp. Hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án lớn, với công nghệ tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường, sản xuất các mặt hàng có ưu thế trên thị trường, có tốc độ đầu tư nhanh và khả năng đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh.
Phát động mạnh mẽ cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, góp sức để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trong đó hoàn chỉnh quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, đầu tư một số tuyến đường mới, hệ thống thủy lợi và hệ thống trường chuẩn bốn cấp học. Tập trung quy hoạch và phát triển mạng lưới đô thị để đến năm 2015 đạt mức đô thị hóa 20%, đến năm 2030 đạt 35%. Mở rộng địa giới và xây dựng thành phố Phủ Lý theo hướng văn minh, hiện đại, đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2020; nâng cấp thị trấn Đồng Văn thành thị xã trực thuộc tỉnh. Đầu tư hạ tầng xây dựng khu Tam Chúc Ba Sao thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng và cả nước; nâng cấp, làm mới một số tuyến đường giao thông để gắn kết khu du lịch này với khu du lịch Bái Đính (Ninh Bình) và Chùa Hương (Hà Nội)
.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cả trước mắt và lâu dài, từ bậc học mầm non đến đại học. Đầu tư hạ tầng khu đô thị đại học, thu hút các trường đại học có thương hiệu, góp phần giảm tải cho Hà Nội, nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong vùng và thúc đẩy dịch vụ phát triển. Tăng cường đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm; thực hiện tốt chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền theo hướng tập trung quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Nâng cao vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp CNH, HĐH; của nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; trí tuệ, tài năng của đội ngũ trí thức; vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên; vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội; vai trò gương mẫu của cựu chiến binh, tạo nên một sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.
Qua bao khó khăn, truyền thống văn hiến và cách mạng của con người Hà Nam không ngừng được bồi đắp. Phát huy thế mạnh, những thành tựu sau 15 năm tái lập, Đảng bộ, quân và dân Hà Nam quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()