Hà Nam: Tổng kết 3 năm áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi
Ngày 22/05 tại Hà Nam, Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã phối hợp với tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết kinh nghiệm và kết quả sau 3 năm áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi (2011 – 2013)
Về dự hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những ý kiến góp ý, đánh giá chung về kết quả sau 3 năm thực hiện mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học (2011 – 2013) tại các địa phương, những ưu điểm, lợi ích đồng thời nêu ra những nhược điểm và hạn chế cần khắc phục khi tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Hội nghị toàn quốc Tổng kết kinh nghiệm và kết quả sau 3 năm áp |
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao lợi ích mà mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học mang lại sau 3 năm triển khai tại các địa phương như: Ngoài đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, mô hình nuôi lợn bằng đệm lót sinh học còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được khá nhiều sức lao động. Vào những ngày đông giá rét, đệm sinh học còn có khả năng giữ ấm tốt, đặc biệt là hạn chế được nhiều tác nhân sinh bệnh phát triển. Với những nguyên liệu đơn giản, quen thuộc với người nông dân như: mùn cưa, vỏ trấu, lõi ngô được nghiền nhỏ… người chăn nuôi có thể thực hiện một cách dễ dàng, các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng không quá phức tạp.
Đại diện các địa phương đã lần lượt báo cáo trước Hội nghị về kết quả đã đạt được cũng như những nhược điểm còn tồn tại trong việc áp dụng mô hình đệm lót sinh học tron chăn nuôi, đặc biệt là Hà Nam – địa phương triển khai xây dựng mô hình điểm từ năm 2010 để đúc rút kinh nghiệm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNN tỉnh Hà Nam, sau 3 năm triển khai ứng dụng mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, tính đến 5/2014 toàn tỉnh có hơn 3000 hộ xây dựng mô hình với hơn 50.000m2 đệm lót sinh học được xây dựng, hiệu quả bước đầu được khẳng định; tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong các khu dân cư nông thôn giảm dần, không còn mâu thuẫn giữa hộ chăn nuôi và không chăn nuôi, từ đó tăng cường đoàn kết thôn xóm, ổn định kinh tế xã hội. Nhờ dùng đệm lót sinh học, chi phí sản xuất chăn nuôi giảm do không phải dùng nước để rửa chuồng và nhân công dọn rửa chuồng trại.
Đặc biệt, trong đệm lót sinh học có chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động đã ức chế vi khuẩn có hại nên khống chế các bệnh phổ biến trên vật nuôi, đồng thời kích thích hệ tiêu hóa khi lợn ăn vào nên giảm chi phí chữa bệnh và tiêu tốn thức ăn. Hệ thống chuồng trại xây dựng đơn giản không tốn nhiều tiền mua nguyên vật liệu, nguyên liệu để làm đệm lót sinh học là mùn cưa, trấu, vỏ bào…là những nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền. Việc áp dụng công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đã góp phần khôi phục sản xuất chăn nuôi hộ gia đình, giúp sản xuất chăn nuôi của tỉnh ổn định phát triển: tổng đàn lợn năm 2013 tăng 4,7%, sản lượng lợn thịt hơi xuất chuồng tăng 6,4% so với cùng kỳ. Chăn nuôi nông hộ được duy trì và phát triển đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế nông thôn địa phương.
Với những ưu điểm nổi trội như: tránh được bệnh tật, chất thải tự tiêu, tiết kiệm nhân công… phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đã được nhiều hộ chăn nuôi gia đình của 55/63 tỉnh thành hưởng ứng đưa vào áp dụng thực hiện, đem lại hiệu quả cao, môi trường tại khu dân cư được nâng lên một bước đáng kể. Hiện mô hình này đang được triển khai, nhân rộng tại nhiều địa phương.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()