Hà Nam: Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù
Sau 3 năm thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ - CP của Chính phủ về việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, đến nay, tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội tại tỉnh Hà Nam đã giảm mạnh. Cụ thể, trong số 1.109 người trở về sau án phạt từ tháng 10/2011 - 5/2014, chỉ có 67 người tái phạm, chiếm 6%, thấp hơn nhiều so với mức 16% trong giai đoạn 2002-2011.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết để đạt được kết quả trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành trong tỉnh đã thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tích cực biểu dương, nhân rộng những mô hình hiệu quả.
Nổi bật là công tác thông tin, truyền thông. Trên 2.150 tin bài, phóng sự và các hoạt động truyền thông đa dạng khác đã được các cơ quan báo chí, Công an, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành về việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Sau khi người chấp hành xong án phạt tù trở về, chính quyền cấp cơ sở bắt tay ngay vào việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ họ. Từ khâu trình diện, viết đơn xin nhập hộ khẩu thường trú về nơi cũ cho đến việc quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân đều được chú trọng. Chính quyền còn phân công các ngành, đoàn thể giúp đỡ. Tới nay đã có 1.513 người được Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các dòng họ đứng ra bảo lãnh, giáo dục và giúp đỡ.
Để người trở về có thể hòa nhập cộng đồng nhanh và bền vững, Ủy ban Nhân dân tỉnh xác định việc giúp họ có việc làm ổn định là yếu tố quan trọng. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giúp đỡ người trở về từ khâu học nghề, hỗ trợ vay vốn cho đến bố trí công việc. Hàng trăm người trở về đã được đào tạo và có nghề nghiệp ổn định. Nhiều tấm gương vươn lên làm giàu, trở thành người có ích được chính quyền và người dân biểu dương, ghi nhận như: Anh Đinh Văn Đức tại xã Tân Sơn (huyện Kim Bảng) trở về sau án phạt 14 năm tù về tội buôn bán chất ma túy đã được hỗ trợ vay vốn phát triển nghề sản xuất ghế đá, chậu cây cảnh mang lại thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng; anh Ngô Văn Huy ở xã Văn Lý (huyện Lý Nhân) sau án phạt về tội cướp tài sản được hỗ trợ cho vay vốn đã mở trang trại nuôi gà và lợn thu nhập 70 triệu đồng/năm; hay chị Hoàng Thị Thuận ở xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục) được Hội phụ nữ xã giúp đỡ đã có cuộc sống ổn định với một cửa hàng kinh doanh tạp hóa sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội buôn pháo.
Cũng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền, các đoàn thể và dòng họ, nhiều người trở về đã vươn lên trở thành người có uy tín, được nhân dân bầu làm trưởng thôn, cán bộ Đoàn xã hoặc Chi hội trưởng Hội nông dân xã, như trường hợp anh Mai Xuân Đức ở xã An Lão (huyện Bình Lục); anh Đỗ Văn Lập ở xã Thanh Hương (huyện Thanh Liêm), anh Nguyễn Minh Ngọc ở xã Tiên Hải (thành phố Phủ Lý).
Trong công tác đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, nhiều đơn vị, địa phương đã được ghi nhận là những điển hình cần được nhân rộng và tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Tiêu biểu là Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Báo Hà Nam, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, huyện Lý Nhân và Thanh Liêm, xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý), xã Nhật Tựu và Nguyễn Úy (huyện Kim Bảng), xã Bạch Thượng và thị trấn Đồng Văn (huyện Duy Tiên), xã Xuân Khê (huyện Lý Nhân) và xã An Lão, thị trấn Bình Mỹ (huyện Bình Lục).
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()