Hà Nam nâng cao chất lượng các trung tâm bồi dưỡng chính trị
Tỉnh Hà Nam có sáu Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố được thành lập theo sáu đơn vị hành chính cấp huyện. Thực tiễn công tác tư tưởng và công tác cán bộ của Đảng bộ Hà Nam những năm qua luôn khẳng định vị trí quan trọng của các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở cấp huyện.Có thể nói đây là trường học chính trị và nghiệp vụ gần cơ sở nhất, sát với cơ sở nhất và mang lại hiệu quả không nhỏ trong việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở. Nhiệm vụ của các trung tâm này là bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, công tác đoàn thể, trưởng thôn, xóm... cho cán bộ ở cơ sở. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho các trung tâm chưa nhiều.Tỉnh ủy Hà Nam đã có nhiều chương trình, đề án tăng cường đổi mới nâng cao...
Tỉnh Hà Nam có sáu Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố được thành lập theo sáu đơn vị hành chính cấp huyện. Thực tiễn công tác tư tưởng và công tác cán bộ của Đảng bộ Hà Nam những năm qua luôn khẳng định vị trí quan trọng của các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở cấp huyện.
Có thể nói đây là trường học chính trị và nghiệp vụ gần cơ sở nhất, sát với cơ sở nhất và mang lại hiệu quả không nhỏ trong việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở. Nhiệm vụ của các trung tâm này là bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, công tác đoàn thể, trưởng thôn, xóm… cho cán bộ ở cơ sở. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho các trung tâm chưa nhiều.
Tỉnh ủy Hà Nam đã có nhiều chương trình, đề án tăng cường đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Hằng năm, các huyện, thành phố đều đã dành một nguồn kinh phí đáng kể so với khả năng của địa phương để nâng cấp các trung tâm. Đến nay, 6/6 trung tâm đã xây được nhà hai tầng. Năm 2012, huyện Bình Lục tiếp tục đầu tư hơn hai tỷ đồng nâng cấp trung tâm. Các huyện ủy Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân đã đầu tư cho trung tâm mua máy vi tính, máy chiếu tạo điều kiện cho các trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Liêm Trần Văn Đảm cho biết: “Thực tiễn công tác tư tưởng và công tác cán bộ ở Thanh Liêm đã khẳng định sự cần thiết của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Mỗi năm trung tâm đã đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn lượt cán bộ, góp phần từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở của địa phương”…
Xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, những năm gần đây, Thường trực các huyện ủy, thành ủy đã quan tâm hơn đến việc lựa chọn, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên trách, và giảng viên kiêm chức của trung tâm. Đội ngũ giảng viên kiêm chức thường xuyên được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng cán bộ cơ sở trong giai đoạn mới. Toàn tỉnh hiện có hơn 80 giảng viên, trong đó, có 52 giảng viên kiêm chức. Đội ngũ giảng viên kiêm chức đều là cán bộ chủ chốt, thường vụ, trưởng, phó các ban xây dựng Đảng, các ngành, đoàn thể của huyện có trình độ lý luận chính trị cao cấp, có trình độ chuyên môn, vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng sư phạm tốt. Đội ngũ giảng viên thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, được cập nhật thông tin thời sự chính trị, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế – xã hội của địa phương. Các trung tâm đã tích cực hơn trong việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị gắn lý luận với nghiệp vụ, lý luận với thực tiễn, kịp thời giải đáp những vấn đề nóng bỏng mà thực tiễn đặt ra. Coi trọng công tác đánh giá xếp loại giảng viên, giảng viên kiêm chức, có kế hoạch phân công bài giảng, lịch giảng phù hợp với trình độ chuyên môn, công việc của từng giảng viên kiêm chức theo hướng chuyên sâu. Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, nghiệp vụ theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên. Đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng soạn giáo án điện tử, sử dụng công nghệ máy chiếu; kết hợp tốt giữa phương pháp giáo dục truyền thống với hiện đại để tăng lượng thông tin bài giảng, hấp dẫn người học. Việc mở lớp tại trung tâm đều thực hiện đúng quy trình, đủ nội dung, đúng đối tượng chiêu sinh theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Quy chế giảng dạy tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị của Ban Tuyên giáo Trung ương. Tăng cường quản lý lớp học nâng cao chất lượng các buổi hội giảng, thảo luận, tham quan nghiên cứu thực tế ở cơ sở.
Các trung tâm thường chủ động đề xuất với cấp ủy tổ chức thông tin những vấn đề mới về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế – xã hội và những vấn đề nổi cộm ở địa phương, cơ sở cho cán bộ, đảng viên. Gắn nội dung công tác giáo dục lý luận chính trị, nghiệp vụ với nghiên cứu triển khai học tập các chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh. Tăng cường phối hợp giữa trung tâm với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, thành ủy, các ban Đảng, các ngành, đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc trong việc mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ đoàn thể ở cơ sở. Với những giải pháp phù hợp, từ năm (2006 – 2011), các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở Hà Nam đã mở được 662 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên đề và nghiệp vụ cho hơn 45 nghìn lượt cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Chỉ riêng ba tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã mở được 11 lớp cho gần một nghìn học viên là các đối tượng bí thư, cấp ủy cơ sở, đối tượng kết nạp đảng, đảng viên mới, và cán bộ đoàn thể ở cơ sở…
Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, các cấp có thẩm quyền cần kịp thời đổi mới chế độ chính sách, quan tâm để đội ngũ cán bộ, giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trau dồi phẩm chất, trình độ chuyên môn, yên tâm gắn bó với nghề.
Theo Nhandan
Ý kiến ()