Hà Nam đồng sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới
Bác Nguyễn Công Độ, xóm 2, xã Nhân Khang tự nguyện đập tường rào, hiến đất làm đường. Chúng tôi về xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân ( Hà Nam) đúng thời gian Đảng bộ xã phát động phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Khắp các thôn, xóm đỏ tươi sắc cờ, băng rôn, khẩu hiệu.Mọi người tay cuốc, tay xẻng tập trung tại xóm 2, nơi được chọn khởi công làm đường mới. Bác Đỗ Văn Lâm, tuổi gần 80, vẫn hăng hái đập bức tường dài hơn 20 m vừa xây để hiến đất mở rộng đường trong sự cổ vũ nhiệt tình của bà con lối xóm.Hiệu quả công tác tuyên truyềnMột thời gian dài, Nhân Khang chậm trễ trong triển khai xây dựng nông thôn mới, do vướng ở khâu tư tưởng. Nó không chỉ ách tắc trong nhân dân mà ngay trong tư tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên. Ngày họp bàn công tác quy hoạch nông thôn mới, nhiều cán bộ bàn lùi. Dưới các thôn, xóm, bà con băn khoăn: "Đang kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, đời sống vất vả lấy đâu tiền đóng góp?". Từ...
|
Mọi người tay cuốc, tay xẻng tập trung tại xóm 2, nơi được chọn khởi công làm đường mới. Bác Đỗ Văn Lâm, tuổi gần 80, vẫn hăng hái đập bức tường dài hơn 20 m vừa xây để hiến đất mở rộng đường trong sự cổ vũ nhiệt tình của bà con lối xóm.
Hiệu quả công tác tuyên truyền
Một thời gian dài, Nhân Khang chậm trễ trong triển khai xây dựng nông thôn mới, do vướng ở khâu tư tưởng. Nó không chỉ ách tắc trong nhân dân mà ngay trong tư tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên. Ngày họp bàn công tác quy hoạch nông thôn mới, nhiều cán bộ bàn lùi. Dưới các thôn, xóm, bà con băn khoăn: “Đang kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, đời sống vất vả lấy đâu tiền đóng góp?”. Từ thực tế này, Đảng ủy xã Nhân Khang đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, xác định nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đảng ủy xã chỉ đạo đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào nội dung sinh hoạt thường xuyên của các chi bộ, đảng bộ; gắn với xây dựng chuẩn mực việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó uốn nắn, đẩy lùi tư tưởng ngại khó, ngại khổ của cán bộ. Với nhân dân, các đảng viên xuống từng nhà, nắm bắt tâm tư từng người, để tuyên truyền giải thích. Đồng chí Nguyễn Như, đảng viên chi bộ xóm 3 tâm sự: Tìm hiểu, thấy đa phần ý kiến hiểu sai lệch là của những người không đi họp. Khi được giải thích cặn kẽ, ai cũng đồng tình, nhất trí cao. Và từ đó, việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở Nhân Khang nhanh chóng, hiệu quả. Năm 2009, Nhân Khang thực hiện được năm tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới, nay đã hoàn thành 9/19 tiêu chí. Trong phong trào hiến đất làm đường, không chỉ có gia đình bác Lâm hăng hái mà các bác Đinh Văn Ghi, đảng viên; Nguyễn Công Độ, gia đình công giáo cũng hiến hơn 100 m2 đất. Bác Nguyễn Văn Việt, 78 tuổi dù bịn rịn với hai cây mít hơn 40 năm tuổi, ba cây nhãn ngót 30 năm tuổi đang xum xuê trái, nhưng cũng quyết định chặt để hiến đất mở đường.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam Lê Văn Tân cho biết: Tháng 4-2011, Tỉnh ủy Hà Nam đã ra Nghị quyết số 03 về xây dựng nông thôn mới. Một trong những giải pháp đột phá chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong thực hiện, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã có nhiều cách làm sáng tạo. Ngoài tuyên truyền miệng là chủ công, các địa phương tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, lồng ghép thông qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng, tham quan mô hình. Theo kết quả khảo sát gần đây, nhân dân của 98/98 xã trong tỉnh hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng đóng góp xây dựng nông thôn mới; 93/98 xã đã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới, đang khẩn trương thực hiện các tiêu chí đã đề ra.
Chọn tiêu chí phù hợp, huy động mọi nguồn lực
Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm Nguyễn Đức Hiển, khi có được sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân thì việc triển khai xây dựng nông thôn mới đã thành công đến 90%. Nhưng sẽ không hiệu quả nếu không có cách làm khoa học. Nhiều xã do chạy theo phong trào, không trọng tâm, trọng điểm dẫn đến chất lượng công trình xuống cấp; máy móc mua về không được sử dụng. Từ bài học này, xã Liêm Tiết (Thanh Liêm) sau khi khảo sát, đánh giá đã chọn tiêu chí thực hiện là xây dựng đường giao thông nông thôn. Khi đưa xuống các thôn, xóm lấy ý kiến, bà con ủng hộ và đóng góp nhiệt tình. Đến nay, hệ thống đường liên thôn, đường trục xã, công trình thủy lợi, giao thông nội đồng cũng được nâng cấp. Xã Đồng Du (Bình Lục) lại chọn tiêu chí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, do đã hoàn thành cơ bản việc dồn điền, đổi thửa. Đây là cơ sở để Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết quy hoạch vùng sản xuất cây vụ đông. Với diện tích 300 ha, được gieo trồng bí xanh, đậu tương, ngô ngọt đã giúp kinh tế địa phương phát triển.
Một thực tế trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam cho thấy, dù đã làm được nhiều việc nhưng nguồn lực đóng góp trong dân chưa nhiều. Tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, trong số 15,9 tỷ đồng được đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, nguồn đóng góp của nhân dân chỉ đạt 0,5 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần do tình hình kinh tế chung hiện nay tác động xấu đến đời sống kinh tế của bà con. Trong khi đó, theo tính toán thì đầu tư cho xây dựng nông thôn mới một xã cần hàng trăm tỷ đồng. Vậy thì giải pháp nào cho vấn đề này? Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Hà Nam xác định: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài và cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đánh giá: Từ khi triển khai Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới, Hà Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như nguồn vốn, con người, cơ chế. Để tháo gỡ, UBND tỉnh Hà Nam ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ xây, khuyến khích các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Theo đó, từ nay đến năm 2015, Hà Nam sẽ dành khoản kinh phí lớn hỗ trợ cho công tác dồn điền đổi thửa, phát triển khu chăn nuôi tập trung, cơ giới hóa nông nghiệp và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Hiện nay, Hà Nam đang thực hiện việc huy động sự chung tay của doanh nhân, doanh nghiệp rất hiệu quả.
Trong buổi gặp mặt giữa các doanh nhân, doanh nghiệp và UBND tỉnh Hà Nam bàn về xây dựng nông thôn mới, đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ cách làm của UBND tỉnh. Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nam Đinh Văn Hồng bày tỏ: Việc UBND tỉnh thường xuyên mời các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia các cuộc họp bàn bạc triển khai nông thôn đã giúp các doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm của mình. Hình thức huy động ủng hộ thay tiền mặt bằng xi-măng, sắt thép, máy móc, vật tư nông nghiệp, đến địa chỉ cụ thể cũng được các doanh nghiệp rất đồng tình. Ngay tại buổi gặp mặt đại diện lần đầu, hơn 20 doanh nghiệp đã góp 2.000 tấn xi-măng, ủng hộ xây dựng đường giao thông nông thôn.
Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Hà Nam phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn. Thời gian từ nay đến đó không còn nhiều, Hà Nam còn rất nhiều việc phải làm, nhưng được chứng kiến sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân thời gian qua, chúng tôi tin tưởng Hà Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()