Hạ lãi và “Cuộc đua” tăng trưởng tín dụng
LSO - Từ đầu tháng 3/2015, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm xuống thấp dưới mức trần của Ngân hàng Nhà nước quy định. Cùng với lãi suất huy động giảm, các ngân hàng có nhiều gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn nhằm tăng trưởng tín dụng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh
CUỘC ĐUA GIẢM LÃI
Từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiều đợt điều chỉnh giảm lãi suất trần huy động vốn. Năm 2014, lãi suất trần huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm hai lần, từ 7%/năm xuống 6%/năm và 5,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Từ đầu tháng 3/2015, các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ mức lãi suất huy động xuống thấp dưới mức trần Ngân hàng Nhà nước quy định, với mức giảm phổ biến là từ 0,2-0,4%/năm so với thời điểm 31/12/2014. Trong đó chủ yếu là giảm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, hiện nay ngân hàng thực hiện mức lãi suất huy động cao nhất là 1,0%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 5,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 7,0%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh tỉnh, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam cao nhất đối với tiền gửi không kỳ hạn là 0,8%/năm; kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,15%/năm, từ 6 tháng đến 12 tháng là 5,55%/năm và từ 12 tháng trở lên 6,3%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Công thương lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn dưới 6 tháng là 5%/năm; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 5,2%/năm; Ngân hàng Ngoại thương 5,1%/năm…
Bà Trương Thu Hoà, Trưởng phòng Nghiên cứu Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Trên địa bàn tỉnh, tổng dư nợ tín dụng 2 tháng đầu năm 2015 là 12.021 tỷ đồng, giảm 276 tỷ đồng, 2,2% so với năm 2014; tổng huy động vốn đạt 14.018 tỷ đồng, tăng 484 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2014. Đợt giảm lãi suất huy động đầu tháng 3 vừa qua là theo lộ trình, có sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Giảm lãi suất huy động là cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất cho vay, qua đó, thúc đẩy nguồn vốn vào phát triển sản xuất, kinh doanh.
NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH KÍCH THÍCH TÍN DỤNG
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay, đặc biệt là có nhiều chương trình ưu đãi lãi suất nhằm kích thích tín dụng. Ông Bế Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh tỉnh cho biết: Hiện nay, chi nhánh đang thực hiện các gói tín dụng lãi suất ưu đãi là gói tín dụng chào xuân 2015, với lãi suất 6%/năm; gói tín dụng hấp dẫn cho nhu cầu nhà ở 7,2%/năm; gói tín dụng mua ô tô lãi suất 7,88%/năm. Ngoài ra, chi nhánh thực hiện nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp chỉ từ 5,5% – 7%/năm cho các đối tượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay với kỳ hạn ngắn từ 1 đến 2 tháng; cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 8%/năm xuống 7%/năm… Không chỉ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, các ngân hàng thương mại đều có các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi để tăng trưởng dư nợ. Tại Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh tỉnh có các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp như chương trình Kết nối khách hàng tiềm năng, lãi suất chỉ từ 5%/năm đối với vay ngắn hạn, 6,5%/năm vay trung, dài hạn; chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở với lãi suất không quá 6%/năm… Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chính sách vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, đầu tư ưu đãi cho các ngành nghề nông lâm nghiệp… Để tăng trưởng dư nợ, bên cạnh các chương trình có lãi suất ưu đãi hấp dẫn, các ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thông qua nhiều dịch vụ như cho vay thấu chi, vay lương, phát hành thẻ mua sắm…
Với sự đa dạng các chương trình tín dụng, khách hàng, doanh nghiệp đang được tạo mọi điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và các ngân hàng thương mại sẽ khơi thông dòng vốn, thực hiện tốt hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong quý II/2015.
Bài, ảnh: Lâm Như
Ý kiến ()