Hạ lãi suất tiền gửi theo tốc độ giảm lạm phát là phù hợp
Đó là khẳng định của ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại buổi giao lưu trực tuyến “Khơi dòng tín dụng” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 13/7, tại Hà Nội. Trước thắc mắc của nhiều độc giả về việc: từ tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm nhanh lãi suất, chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm nhanh lãi suất cho vay…, như vậy liệu có dẫn đến một sự thay đổi trạng thái đột ngột của thị trường, của hoạt động các ngân hàng thương mại khi có thay đổi nhanh, mạnh diễn ra trong thời gian ngắn như vậy? Ông Cao Sỹ Kiêmkhẳng định: Việc hạ lãi suất tiền gửi theo tốc độ giảm lạm phát là một điều rất hợp lý và đúng thông lệ. Đã giảm lãi suất tiền gửi thì phải giảm lãi suất cho vay tương ứng. Ngoài mục đích chúng ta điều chỉnh theo qui luật thị trường còn một yếu tố quan trọng là vì lãi suất quá cao, các doanh nghiệp khó hấp thụ...
Đó là khẳng định của ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại buổi giao lưu trực tuyến “Khơi dòng tín dụng” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 13/7, tại Hà Nội.
Trước thắc mắc của nhiều độc giả về việc: từ tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm nhanh lãi suất, chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm nhanh lãi suất cho vay…, như vậy liệu có dẫn đến một sự thay đổi trạng thái đột ngột của thị trường, của hoạt động các ngân hàng thương mại khi có thay đổi nhanh, mạnh diễn ra trong thời gian ngắn như vậy? Ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định: Việc hạ lãi suất tiền gửi theo tốc độ giảm lạm phát là một điều rất hợp lý và đúng thông lệ. Đã giảm lãi suất tiền gửi thì phải giảm lãi suất cho vay tương ứng. Ngoài mục đích chúng ta điều chỉnh theo qui luật thị trường còn một yếu tố quan trọng là vì lãi suất quá cao, các doanh nghiệp khó hấp thụ có hiệu quả để trả nợ. Vì thế, việc hạ lãi suất cho vay còn nhằm mục đích rất quan trọng là để cứu doanh nghiệp vượt qua khó khăn về vốn để ổn định và tồn tại trong tình hình hiện nay. Xử lý như trên là bám sát thực tiễn và chủ trương chỉ đạo cho cả mục tiêu kiềm chế lạm phát và phục vụ tăng trưởng một cách hợp lý, không hề gây ra những đột ngột hoặc những bất lợi cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN (bên trái)trả lời bạn đọc. |
Trước thắc mắc về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8 – 10% 6 tháng cuối năm có thể đạt được không khi hiện nay chúng ta chủ yếu vẫn chỉ là chính sách giảm lãi suất, mà nó diễn ra rất khó khăn? Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) cho biết: Để tín dụng có thể tăng trưởng khoảng 10% vào 6 tháng cuối năm, nếu chỉ dùng chính sách giảm lãi suất thì khó giải quyết được vấn đề. Ở đây cần thấy rằng lãi suất thấp sẽ tạo động lực rất lớn cho các doanh nghiệp tiếp cận với vốn ngân hàng, tuy nhiên vấn đề cốt lõi nằm ở yếu tố thị trường. Đối với thị trường Việt Nam hiện nay cần tạo lực kích cầu lớn cho tổng thể thị trường, đặc biệt là kích cầu đối với lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng…
Cụ thể, như đối với chính sách thuế, với những mặt hàng chúng ta thấy cần phải kích cầu có thể xem xét giảm thuế như VAT, tạo ra các kênh dẫn vốn khác nhau không nhất thiết chỉ từ ngân hàng. Chúng ta đã biết đã có kênh dẫn vốn hiệu quả đối với tín dụng ngân hàng đó là cho thuê tài chính. Tóm lại, chỉ khi nào chúng ta giải quyết các vấn đề một cách tổng thể thì tín dụng mới có thể tăng trưởng được, theo một nguyên tắc đơn giản: hàng hoá sản xuất ra, doanh nghiệp vay tiền sản xuất hàng hoá thì phải có thị trường tiêu thụ
Trả lời câu hỏi của bạn đọc về thời gian gần đây nhiều thông tin đề cập đến mâu thuẫn ngân hàng thì ứ đọng, dư thừa vốn, còn doanh nghiệp thì khát vốn. Trường hợp vốn ứ đọng nhưng không cho vay ra được như vậy thì ngân hàng xử lý như thế nào? Ông Cao Sỹ Kiêm ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNNcho rằng: Hiện tượng ngân hàng thừa khả năng thanh toán và doanh nghiệp thiếu vốn nhưng không vay được là có 5 lý do:
Thứ nhất là do sản phẩm đang ứ đọng, sức mua giảm, chi phí tăng, tồn kho tăng, cho nên khả năng không bán hàng được nên không vay tiếp được vì một số rơi vào tình trạng không đủ tiêu chuẩn vay.
Thứ hai, mặc dù lãi suất giảm nhiều lần về tiền gửi nhưng lãi suất cho vay chưa giảm được nhiều và còn ở mức cao nên khả năng hấp thụ vốn này rất khó và doanh nghiệp cũng không muốn vay, ngân hàng cũng không muốn cho vay vì cho vay thì nợ xấu sẽ tăng lên.
Thứ ba, do nhiều lý do, sản xuất đang bị đình trệ, doanh nghiệp phá sản ngày càng tăng nên nợ xấu cũng tăng rất nhanh. Nợ xấu tăng thì lại cản trở rất lớn cho các dòng vốn được đưa vào doanh nghiệp.
Thứ tư, việc cụ thể hóa chính sách và những tiêu chí để giải quyết những vấn đề thủ tục, địa chỉ được vay chưa nhanh và thiếu cụ thể, nên cũng hạn chế cho việc triển khai.
Thứ năm, sự phối hợp giữa ngân hàng với doanh nghiệp, cũng như sự chia sẻ để cùng tồn tại vượt qua khó khăn chưa được chặt chẽ và còn thiếu nhịp nhàng, cộng với đỗ trễ của quá trình thực hiện cho nên dù chủ trương rất đúng nhưng triển khai chưa có được kết quả như mong muốn.
Trả lời thắc mắc của bạn đọc về biện pháp hữu hiệu tháo gỡ cho các doanh nghiệp để có thể tiếp cận vốn vay hiện nay. Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng cần có sự phối hợp từ nhiều phía:
Về phía Nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng phù hợp, bảo đảm nâng cao hiệu quả đầu tư, chi tiêu công, có chính sách thích hợp để tăng tổng cầu thị trường trong nước…
Về phía ngân hàng cho vay, cần tiếp tục điều chính chính sách tín dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường, đáp ứng đủ vốn, kịp thời với lãi suất phù hợp cho các nhu cầu vay vốn. Đồng thời cần cơ cấu lại khoản nợ phù hợp với khả năng trả nợ của người vay. Xử lý có kết quả các khoản nợ xấu, khơi thông dòng tín dụng. Tăng cường quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro. Bảo đảm chất lượng tăng trưởng, đặc biệt là chất lượng dư nợ cho vay. Quản lý tốt chi phí hoạt động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay…
Về phía doanh nghiệp, tôi cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay cần tập trung tăng cường công tác quản lý sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thu hồi công nợ, tập trung các nguồn lực (vốn, nhân lực,…) vào các hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp. Sử dụng vốn đúng mục đích, cân đối vốn để trả nợ đúng hạn, giữ tín nhiệm trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Về lâu dài cần coi trọng tái cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()