Ha-i-ti vẫn tiềm ẩn bạo lực và bất ổn
Ha-i-ti đang phải đối mặt với ba khó khăn, thách thức lớn chồng lên nhau: khắc phục hậu quả nặng nề của thảm họa động đất kinh hoàng hồi đầu năm, ngăn chặn dịch tả đang hoành hành và giải quyết khủng hoảng chính trị vừa bùng phát ở quốc gia trên biển Ca-ri-bê này.Mười tháng sau khi xảy ra thảm họa động đất kinh hoàng làm 250 nghìn người chết và 1,3 triệu người mất nhà cửa, Ha-i-ti tiếp tục gánh chịu nạn dịch tả tồi tệ đã làm gần 2.200 người chết và hàng chục nghìn người phải nhập viện, khiến khó khăn càng thêm chồng chất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hệ thống cơ sở y tế yếu kém của nước này đã quá tải để đối phó với dịch tả đang lây lan nhanh và khả năng sẽ có 400 nghìn người nhiễm bệnh trong năm tới. Ha-i-ti cần bổ sung thêm hàng nghìn bác sĩ và y tá để ngăn chặn dịch tả đang lan rộng. Người dân Ha-i-ti và cộng đồng quốc tế đã hy vọng cuộc bầu cử ngày 28-11 vừa qua sẽ lựa chọn được người đứng đầu...
Mười tháng sau khi xảy ra thảm họa động đất kinh hoàng làm 250 nghìn người chết và 1,3 triệu người mất nhà cửa, Ha-i-ti tiếp tục gánh chịu nạn dịch tả tồi tệ đã làm gần 2.200 người chết và hàng chục nghìn người phải nhập viện, khiến khó khăn càng thêm chồng chất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hệ thống cơ sở y tế yếu kém của nước này đã quá tải để đối phó với dịch tả đang lây lan nhanh và khả năng sẽ có 400 nghìn người nhiễm bệnh trong năm tới. Ha-i-ti cần bổ sung thêm hàng nghìn bác sĩ và y tá để ngăn chặn dịch tả đang lan rộng. Người dân Ha-i-ti và cộng đồng quốc tế đã hy vọng cuộc bầu cử ngày 28-11 vừa qua sẽ lựa chọn được người đứng đầu Nhà nước để phối hợp với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề nan giải của quốc gia này. Tuy nhiên, sau khi kết quả sơ bộ được Hội đồng Bầu cử lâm thời Ha-i-ti (CEP) công bố ngày 7-12, theo đó, cựu Đệ nhất phu nhân M.Ma-ni-gát giành nhiều phiếu nhất (31,37% số phiếu ủng hộ), ứng cử viên của đảng cầm quyền G. Xê-lét-xtin về thứ hai với 22,49% phiếu bầu và nước này phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng hai do không ứng cử viên nào giành được quá 50% số phiếu bầu trong vòng một. Chiến thắng sít sao với cách biệt chưa đầy 1% phiếu bầu của ứng cử viên Xê-lét-xtin so với ứng cử viên về thứ ba là nam ca sĩ nổi tiếng M. Mác-ten-li đã làm bùng lên những nghi ngờ về gian lận trong bầu cử tại quốc gia có lịch sử về hỗn loạn và biến động chính trị. Hàng nghìn người ủng hộ ứng cử viên M. Mác-ten-li bị mất quyền tham gia tranh cử vòng hai dự kiến diễn ra ngày 16-1-2011, đã tuần hành trên các đường phố lớn ở Thủ đô Po-tô Pranh-xơ để phản đối chính quyền. Những phần tử quá khích đã đốt phá công sở, nhà cửa trong thành phố, trong đó có cả trụ sở đảng INITE cầm quyền. Những người ủng hộ ứng cử viên Xê-lét-xtin cũng xuống đường biểu tình, đồng thời tuyên bố sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ ứng cử viên này. Thậm chí cả những người ủng hộ ứng cử viên M. Ma-ni-gát, người dẫn đầu trong số các ứng cử viên cũng phản đối kết quả bầu cử. Nhiều hàng rào được dựng lên ở khắp Thủ đô và các cuộc đụng độ liên tiếp diễn ra giữa những người ủng hộ các phe phái chính trị đối lập và lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ làm ít nhất bốn người chết. Ha-i-ti buộc phải đóng cửa các sân bay, nhiều hãng hàng không quốc tế đồng loạt hủy các chuyến bay đến quốc gia vùng Ca-ri-bê này. Trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử tại Ha-i-ti dâng cao và trở thành bạo loạn đường phố, ngày 9-12, CEP đã quyết định kiểm lại toàn bộ phiếu bầu đối với ba ứng cử viên có số phiếu cao nhất. Chỉ có ứng cử viên Xê-lét-xtin chấp nhận, còn hai ứng cử viên Ma-ni-gát và M. Mác-ten-li lại không đồng tình với việc kiểm lại phiếu.
Mỹ bày tỏ lo ngại về tình trạng hỗn loạn và căng thẳng chính trị tại Ha-i-ti sẽ cản trở và phá hỏng những nỗ lực khắc phục hậu quả động đất và ngăn chặn dịch tả ở nước này. Chủ tịch Ủy ban Pháp luật Thượng viện Mỹ P. Li-hy đã kêu gọi đình chỉ viện trợ và ngừng cấp thị thực cho giới chức Ha-i-ti. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H. Clin-tơn cảnh báo cộng đồng quốc tế đã 'hết kiên nhẫn' trước tình trạng bế tắc chính trị, đồng thời thúc giục Chính phủ Ha-i-ti cần phải hành động nhằm tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng này. Trước tình hình khó khăn này, Tổng thống Ha-i-ti R. Prê-van đã phải kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp nước này giải quyết tình trạng bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử. Ông đề nghị Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) cử hai chuyên gia đến giúp Ha-i-ti kiểm lại phiếu và giải quyết những phức tạp và căng thẳng pháp lý phát sinh sau bầu cử tổng thống vòng đầu.
Trong khi đó, ứng cử viên M. Mác-ten-li kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử vòng hai với sự tham gia của tất cả 18 ứng cử viên thay vì hai ứng cử viên dẫn đầu vòng một và khẳng định giải pháp đơn giản nhất là tiến hành một vòng bỏ phiếu duy nhất dưới sự giám sát của các tổ chức trong nước và quốc tế. Theo ứng cử viên này, người nào giành nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử mới sẽ là người thắng cử. Các nhà phân tích chính trị nhận định tình hình Ha-i-ti vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và bạo lực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()